Có thể nói, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp hàng đầu để nông sản của các địa phương trong tỉnh tiếp tục đứng vững tại các thị trường trong nước, hướng tới mục tiêu xuất khẩu ra nước ngoài. Nhận thức được vai trò quan trọng này, thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu có lợi thế, gắn với việc đẩy mạnh liên kết xây dựng chuỗi sản xuất, mở ra cơ hội phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.
Đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã hình thành được vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất theo hướng an toàn sinh học, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc thù địa phương.
Tại huyện Lạng Giang, để triển khai xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP của địa phương, những năm qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã không ngừng tham mưu cho UBND huyện quan tâm đầu tư nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, không ngừng mở rộng quy mô, diện tích sản xuất sản phẩm sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; Đưa cơ giới hóa vào các khâu của sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, tăng giá trị nông sản.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lạng Giang Bùi Đức Hùng, việc xây dựng và quản lý nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của địa phương là việc làm quan trọng, giúp nông sản của huyện tiếp cận sâu hơn, bền vững hơn trên thị trường. Đồng thời, giúp các hợp tác xã, nông dân trên địa bàn huyện Lạng Giang thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang theo chuỗi khép kín, bảo đảm an toàn thực phẩm, từng bước khẳng định chất lượng và thương hiệu nông sản đặc trưng của Lạng Giang.
Lạng Giang tích cực tham gia trưng bày các gian hàng nông sản đặc trưng của địa phương
Từ năm 2019 đến nay, huyện Lạng Giang đã triển khai thực hiện khoảng 114 đề tài, dự án, chương trình, mô hình khoa học công nghệ, đưa các cây con giống mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Huyện cũng đã phối hợp với các cơ quan trong và ngoài tỉnh triển khai 53 mô hình trồng trọt, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho 11 sản phẩm của địa phương. Toàn huyện có 08 sản phẩm nông nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa bao gồm: Nấm rơm sơ chế Tân Thanh, nấm rơm Tiên Lục, bưởi Quang Thịnh, nấm rơm Hưng Vượng, dưa chuột Mỹ Thái, rượu Phù Lão, mật ong Nghĩa Hòa, dứa Hương Sơn.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên việc triển khai xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP được các chủ thể trong huyện tham gia tích cực. Lũy kế đến nay, toàn huyện có 29 sản phẩm OCOP, đạt 290% so với kế hoạch cả giai đoạn 2021 - 2025. Hiện một số sản phẩm của huyện đã khẳng định được thương hiệu và có tiềm năng lên 4 sao như: Sản phẩm Đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH Nấm dược liệu ADENCO; Rượu men lá Thủy thượng của HTX Nông nghiệp Thủy Thượng…
Việc quan tâm xây dựng nhãn hiệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại góp phần nâng cao giá trị kinh tế các sản phẩm OCOP của địa phương
Là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày một thu hẹp, song thành phố Bắc Giang vẫn tiếp tục đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn nhằm tập trung khai thác tối đa lợi thế địa phương, thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Từ năm 2019 đến nay, UBND TP Bắc Giang đã tổ chức đánh giá, xếp hạng được 41 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 3 sản phẩm OCOP đạt 4 sao.
Để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP, thành phố Bắc Giang hướng dẫn, đồng hành cùng các chủ thể phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm được cấp quyền sở hữu công nghiệp, sản phẩm được bảo hộ ở nước ngoài. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm tiềm năng của thành phố.
Cùng đó, thành phố cũng tập trung đẩy mạnh công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng thế mạnh của địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang Web, sàn thương mại điện tử, qua Zalo, facebook. Tính đến nay, thành phố Bắc Giang đã đưa gần 200 sản phẩm tiềm năng, chủ lực, OCOP lên quảng bá, giới thiệu trên sàn thương mại điện tử.
Nhằm hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, Phòng Kinh tế TP Bắc Giang còn chủ động phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức các buổi tập huấn, tư vấn về phát triển ý tưởng sản phẩm; Xây dựng kế hoạch kinh doanh; Hỗ trợ thiết kế, in ấn bao bì; Hướng dẫn xây dựng hồ sơ đăng ký mã số, mã vạch, bảo hộ nhãn hiệu… cho các chủ thể, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn. Ngoài ra, thành phố còn tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại, giúp các chủ thể có sản phẩm OCOP có nhiều cơ hội giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.
Theo bà Hà Ngọc Hoa - Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP Bắc Giang, việc quan tâm xây dựng nhãn hiệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng của sản phẩm địa phương. Đồng thời, giữ vững được hình ảnh, uy tín của nhãn hiệu, giúp chủ sở hữu tiếp tục duy trì và cải tiến sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Nhờ làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, xây dựng thương hiệu sản phẩm, giá trị kinh tế các sản phẩm OCOP của các địa phương trên địa bàn thành phố Bắc Giang đã được nâng cao từ 20% trở lên.
Nhiều sản phẩm OCOP của các địa phương trong tỉnh đã được ký kết tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trên cả nước
Với nhiều nỗ lực quảng bá, kết nối tiêu thụ nông, lâm sản, đến nay, tỉnh Bắc Giang đã có được thành công bước đầu trong xúc tiến thương mại. Hàng trăm sản phẩm OCOP đã ký kết được hợp đồng tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trên cả nước. Thông qua các hợp đồng được ký kết đã góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho thấy, hết năm 2023, toàn tỉnh có 290 sản phẩm OCOP đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trong nước. Trong đó, có 01 sản phẩm 5 sao, 26 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 263 sản phẩm 3 sao của các địa phương trong tỉnh cũng đủ tiêu chuẩn tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trong nước.
Theo Kế hoạch năm 2024, lũy kế tối thiểu toàn tỉnh có 350 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, tăng 60 sản phẩm so với năm 2023. Qua đó, đưa Bắc Giang trở thành một trong những tỉnh có nhiều sản phẩm OCOP của khu vực miền núi phía Bắc và cả nước. Nhìn chung các sản phẩm sau khi tham gia Chương trình OCOP phát triển tốt, có chuyển biến rõ rệt về chất lượng, mẫu mã; Có trên 60% chủ thể OCOP đạt doanh thu tăng bình quân trên 15%/năm.
Có thể nói, Chương trình OCOP tạo tiếng vang cho các loại nông sản đặc sản của mỗi địa phương. Cũng từ chương trình này, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP thời gian qua đã được các sở, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Qua đó, góp phần đưa sản phẩm OCOP của các địa phương trở thành một thương hiệu mạnh được người tiêu dùng trong và ngoài nước quan tâm lựa chọn.
Nguyễn Miền