Thứ Bẩy, 23/11/2024 15:05:44 GMT+7
Lượt xem: 1350

Tin đăng lúc 20-05-2024

Bắc Giang: Tập trung phát triển Chương trình OCOP theo chiều sâu, hiệu quả, bền vững

Những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã triển khai hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - (OCOP). Chương trình đã khơi dậy tiềm năng, lợi thế to lớn của các địa phương, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, góp phần nâng cao giá trị nông sản ở nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Năm 2024, tỉnh Bắc Giang tập trung phát triển Chương trình OCOP theo chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
Bắc Giang: Tập trung phát triển Chương trình OCOP theo chiều sâu, hiệu quả, bền vững
Mỳ của HTX mỳ Trại Lâm đạt OCOP 4 sao. Sản phẩm có mặt tại nhiều siêu thị và xuất khẩu đi một số quốc gia

Nâng tầm giá trị sản phẩm

 

Theo thống kê, đến hết năm 2023, tỉnh Bắc Giang có 290 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, tăng 85 sản phẩm so với năm 2022, gồm: 01 sản phẩm 5 sao; 02 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 24 sản phẩm 4 sao; 263 sản phẩm 3 sao, trong đó, có 03 sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Qua đó, đưa Bắc Giang trở thành một trong những tỉnh có nhiều sản phẩm OCOP của khu vực miền núi phía Bắc và cả nước.

 

Toàn tỉnh có 177 chủ thể OCOP; trong đó, 141 chủ thể hợp tác xã (HTX), chiếm 79,7%; 13 doanh nghiệp (DN), chiếm 7,3%; 23 cơ sở sản xuất, chiếm 13%. Các chủ thể cơ bản là HTX, DN tiêu biểu của tỉnh. Nhiều chủ thể là thanh niên trẻ có trình độ, nhiệt huyết khởi nghiệp từ nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm thể hiện sự sáng tạo của người dân.

 

Ông Nguyễn Văn Luy - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biêt: Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đều là những sản phẩm thế mạnh, đặc sản của các địa phương. Một số sản phẩm được công nhận là sản phẩm chủ lực, đặc trưng tiềm năng của tỉnh như: Vải thiều Lục Ngạn; mỳ gạo Chũ; gà đồi Yên Thế,... sản phẩm của các làng nghề truyền thống, làng nghề như: Mỳ Chũ; rượu Vân; bún Đa Mai…

 

 

 Sản phẩm vải đóng lon của Công ty Cổ phần XNK VIFOCO đã xuất khẩu sang thị trường Đức

 

Các sản phẩm đều có đầy đủ hồ sơ rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm; có sự quan tâm, đầu tư lớn đến hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hồ sơ công bố chất lượng; câu chuyện sản phẩm… Hình thức mẫu mã, bao bì, nhãn mác phù hợp với đặc tính sản phẩm được các chủ thể quan tâm thiết kế đồng bộ, hiện đại, một số sản phẩm bao bì đẹp, bắt mắt… Nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng như ISO 22000; HACCP; VietGAP; GlobalGAP...

 

Một số sản phẩm OCOP thế mạnh của tỉnh Bắc Giang có khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn và đã có hoạt động xuất khẩu trực tiếp như: Sản phẩm của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu VIFOCO; các sản phẩm của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu; Giấm Kim Ngân; Bánh nông sản Bình Minh…

 

Đặc biệt là các sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, vải sớm Phúc Hòa đã được xuất khẩu sang các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia…, qua đó đã góp phần nâng tầm vị thế của sản phẩm nông sản Bắc Giang trên thị trường trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới.

 

Tập trung phát triển theo chiều sâu tạo hiệu quả bền vững

 

Theo thống kê, Tổng kinh phí thực hiện các nội dung Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2023 là 16.809,898 triệu đồng (bình quân 2,8 tỷ đồng/năm). Trong đó, từ năm 2018 - 2023 đã tổ chức 20 lớp tập huấn cho 1.570 học viên, gồm 12 lớp, 965 học viên là các chủ thể có sản phẩm tham gia chương trình OCOP và 08 lớp, cho 605 học viên là cán bộ quản lý chương trình OCOP từ xã đến tỉnh. Với các nội dung tập huấn theo hướng dẫn của Bộ NN & PTNT và căn cứ vào nhu cầu thực tế của tỉnh.

 

 

Sản phẩm giấm của Công ty TNHH Thương mại Ngân Giang đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và châu Âu

 

Năm 2024, để khuyến khích phát triển các sản phẩm OCOP, tỉnh Bắc Giang dự kiến mỗi năm bố trí khoảng 5,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp tỉnh khoảng 2,7 tỷ đồng/năm, hỗ trợ cho các sản phẩm 4 sao và 5 sao; ngân sách cấp huyện khoảng 2,7 tỷ đồng/năm, hỗ trợ cho sản phẩm 3 sao. Với mức chi từ ngân sách như trên, việc thực hiện chính sách hoàn toàn có tính khả thi sẽ là động lực khích lệ các chủ thể sản xuất khai thác các lợi thế của địa phương, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển nhiều sản phẩm OCOP có giá trị cao.

 

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bắc Giang Nguyễn Văn Luy cho biết thêm, năm 2024 tỉnh tập trung phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Theo đó, Bắc Giang phấn đấu năm 2024 lũy kế tối thiểu có 350 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; xây dựng, phát triển ít nhất 02 sản phẩm đủ điều kiện đánh giá 5 sao cấp quốc gia.

 

Tỉnh Bắc Giang tiếp tục chú trọng phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.

 

Bắc Giang sẽ tăng cường các hoạt động hỗ trợ chủ thể phát triển hoàn thiện sản phẩm OCOP; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn các huyện, thành phố.

 

Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang quan tâm hướng dẫn thành lập mới, củng cố, phát triển HTX, DN để sản xuất sản phẩm OCOP; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong đánh giá, phân hạng và quản lý sản phẩm OCOP; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện và quản lý sản phẩm Chương trình OCOP sau khi được chứng nhận…

 

Minh Ngọc


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang