Thứ Năm, 21/11/2024 23:35:12 GMT+7
Lượt xem: 789

Tin đăng lúc 24-10-2023

Bắc Giang: Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP

Đến nay, tỉnh Bắc Giang có 253 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, thuộc top đầu các tỉnh có sản phẩm OCOP trên cả nước. Bên cạnh việc chú trọng phát triển chiều sâu, chất lượng sản phẩm, tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Bắc Giang: Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP
Sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang tham gia các Hội chợ được người tiêu dùng yêu thích

Chú trọng chất lượng sản phẩm OCOP

 

 Bắc giang là tỉnh có nhiều lợi thế lớn trong việc lựa chọn, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Theo thống kê, toàn tỉnh có 27 làng nghề đã được công nhận, có 52 sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng và 45 thành phần dân tộc chung sống với nhiều nét văn hóa đặc trưng và tiềm năng về phát triển du lịch.  Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang đã phát triển ổn định, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tiêu biểu như vùng cây ăn quả trên 51.000 ha, trong đó vùng vải thiều tập trung 28.000 ha; vùng cây có múi gần 11.000 ha, vùng rau an toàn gần 12.000 ha; đàn lợn gần 1 triệu con, đàn gia cầm trên 20 triệu con; vùng sản xuất gỗ nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến 80.000 ha, sản lượng khai thác bình quân gần 1 triệu m3 gỗ/năm.

 

Triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm – OCOP”, tỉnh Băc Giang đã định hướng phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững. Triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025 đảm bảo đúng tiến độ và hiệu quả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và tổ chức sản xuất" trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.

 

 

Hội chợ Triển lãm nông nghiệp Quốc tế lần thứ 23 - Agroviet 2023 (Từ ngày 14/9 đến ngày 17/9/2023 tại TP Hà Nội)

 

Ông Nguyễn Văn Luy - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết: Chương trình OCOP tại tỉnh Bắc Giang đã và đang tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp không chỉ ở những vùng thuận lợi, mà cả ở vùng sâu, vùng xa, có sức lan tỏa lớn, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng đều là các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu và đại diện cho văn hoá, tập quán, thế mạnh sản xuất của mỗi vùng, mỗi địa phương trong tỉnh; được chủ thể chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển đa dạng; hoàn thiện các thủ tục tem nhãn, bao bì, nguồn gốc xuất sứ và các yêu cầu khác theo quy định.

 

Giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP

 

Song song với việc phát triển sản phẩm OCOP cả về số lượng và chất lượng, tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu các sản phẩm dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm cung cấp thông tin cần thiết và quảng bá sâu rộng sản phẩm OCOP của địa phương đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; triển khai các chương trình xúc tiến thương mại nhằm nâng cao hiệu quả tiêu thụ sản phẩm OCOP...

 

Đơn cử, trong giai đoạn 2018-2022, tỉnh đã hỗ trợ cho trên 100 lượt Hợp tác xã, doanh nghiệp với khoảng 350 lượt sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu đặc trưng tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn kết nối cung cầu do Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức. Hỗ trợ các chủ thể sản xuất xây dựng các điểm trưng bày sản phẩm và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (đã có hơn 80% sản phẩm OCOP giao dịch trên các sàn thương mại điện tử)… Năm 2020, UBND tỉnh hỗ trợ gần 500 triệu đồng xây dựng 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các huyện: Lục Nam, Yên Thế, Việt Yên và TP Bắc Giang. Việc mở các điểm bán không chỉ giúp giới thiệu, quảng bá mà còn là nơi đấu nối cho các sản phẩm OCOP của tỉnh bạn để cùng phát triển.

 

Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh Bắc Giang còn chú trọng thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch như: Sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa Bản Ven của Hợp tác xã Thân Trường; sản phẩm Vải thiều Lục Ngạn với mùa du lịch “Lục Ngạn mùa vải chín”,... Cùng với đó, Bắc Giang còn khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP như các hoạt động livestream bán vải thiều, mỳ Chũ, tương La, bánh quế Ông Thọ, đông trùng hạ thảo…

 

Những chương trình hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thiết thực tạo động lực cho các chủ thể OCOP đẩy mạnh sản xuất, nâng tầm sản phẩm, góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp, làng nghề tỉnh Bắc Giang ra thị trường trong và ngoài nước.

 

Ngọc Minh

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang