Nhờ các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, những năm qua, các sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh ngày càng được phát triển, mở rộng cả về số lượng và chất lượng. Cứ 2 năm/lần, tỉnh lại tổ chức lựa chọn những sản phẩm tiêu biểu nhất để tham gia bình xét những SPCNNTTB cấp tỉnh. Việc bình chọn sản phẩm là cơ hội để các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình đến với thị trường, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển.
Thời gian qua, TTKC đã tập trung hỗ trợ phát triển các SPCNNTTB có thế mạnh của địa phương. Điển hình như sản phẩm miến dong của cơ sở Nhất Thiện (xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể).
Cụ thể, Trung tâm đã hỗ trợ phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm miến dong Nhất Thiện Ba Bể cho hộ kinh doanh Nguyễn Văn Thiện. Phòng trưng bày được đầu tư trang thiết bị trưng bày phù hợp, tạo không gian hiện đại, tiện ích, giúp cơ sở truyền tải được đầy đủ thông tin về sản phẩm tới khách hàng. Trung tâm cũng hỗ trợ xây dựng phần mềm quản lý bán hàng thông minh cho Công ty Cổ phần Bắc Kạn - đơn vị sản xuất ra sản phẩm tinh nghệ Bắc Kạn. Phần mềm này giúp doanh nghiệp giảm 30% thao tác và quản lý dữ liệu hàng hóa, giảm 30% hàng hóa thất thoát, tiết kiệm chi phí vận hành, trong đó có chi phí thuê nhân viên. Không những vậy, phần mềm quản lý còn giúp hiện đại hóa công cụ bán hàng, cải thiện chất lượng dịch vụ.
Ngoài ra, nhiều sản phẩm khác như: Miến dong Triệu Thị Tá, miến dong Côn Minh, miến dong Huấn Liên, tinh nghệ Bắc Kạn... là các sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực đã được hỗ trợ kinh phí khuyến công để đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất, hỗ trợ thiết kế bao bì đóng gói sản phẩm, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa… Nhờ đó, các hộ sản xuất đã duy trì ổn định hoạt động kinh doanh, sản phẩm có chất lượng, giá trị sử dụng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Các sản phẩm CNNT tiêu biểu luôn nhận được sự quan tâm, ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại từ nguồn kinh phí khuyến công, xúc tiến thương mại, chương trình hỗ trợ khác của tỉnh và Trung ương. Kinh phí khuyến công hỗ trợ cơ sở CNNT được cấp giấy chứng nhận các nội dung như: Đào tạo nghề, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, thuê tư vấn thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm, xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm… Ngoài ra, kinh phí khuyến công và xúc tiến thương mại còn hỗ trợ các cơ sở CNNT quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm thông qua việc hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm trong nước, tổ chức hội nghị kết nối cung cầu...
Trong công tác tuyên truyền, Bắc Kạn cũng dành nguồn lực đáng kể cho thực hiện tuyên truyền dưới nhiều hình thức nhằm giới thiệu rộng rãi sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh tới người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Việc hỗ trợ các sản phẩm CNNTTB đã mang lại nhiều hiệu quả cho các đối tượng thụ hưởng, thế nhưng thực tế hiện nay, các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh quy mô còn nhỏ lẻ, sản xuất vẫn mang nặng thủ công, do vậy sức cạnh tranh cũng như giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao. Điều này cũng khiến chương trình khuyến công khó lựa chọn đối tượng thụ hưởng đủ điều kiện cũng như đảm bảo hiệu quả của các đề án.
Với mục tiêu huy động các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó có đầu tư phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu, Sở Công Thương khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm CNNT. Lấy các sản phẩm CNNT tiêu biểu đã được công nhận làm trung tâm hỗ trợ xây dựng các chương trình, đề án khuyến công theo hướng có trọng điểm, có sự bứt phá và có bước chuyển rõ rệt nhằm tạo điển hình tăng khả năng lan tỏa.
Sở Công Thương cũng đề xuất, Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, xem xét, hỗ trợ các cơ sở CNNT có sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.
Hiệu ứng từ việc bình chọn sản phẩm CNNTTB là đã kích cầu, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã… tận dụng tối đa thế mạnh nghề truyền thống, nguồn lao động kết hợp với công nghệ sản xuất tiên tiến để đầu tư sản xuất các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, tiêu thụ tốt. Các cơ sở sản xuất quan tâm đầu tư đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm; chú trọng đồng bộ các khâu sản xuất, cải tiến mẫu mã, bao bì đóng gói và đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm. Đưa các sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh vươn xa với thị trường trong nước và quốc tế.
Huyền My