Chủ Nhật, 24/11/2024 12:29:14 GMT+7
Lượt xem: 4131

Tin đăng lúc 25-12-2019

Bắc Ninh: Hỗ trợ bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành quyết định phê duyệt “Chương trình bình ổn giá cả một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020”.
Bắc Ninh: Hỗ trợ bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán
Một điểm bán hàng bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán ở Bắc Ninh

Theo đó, việc triển khai Chương trình nhằm góp phần cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn giá cả mặt hàng thiết yếu, thúc đẩy phát triển mạng lưới điểm bán nhằm đảm bảo hàng hóa bình ổn giá được phân phối đến người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn; đồng thời gắn liền với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Yêu cầu đối với hàng hóa trong Chương trình phải là sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, số lượng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh, kể cả trong trường hợp thị trường có biến động. Giá bán các mặt hàng trong Chương trình phải đảm bảo luôn thấp hơn giá bán các mặt hàng cùng chủng loại, chất lượng và cùng thời điểm trên thị trường ít nhất 5% trong suốt thời gian thực hiện Chương trình.

 

Trên cơ sở dự báo nhu cầu tiêu dùng và dự báo khả năng biến động giá cả trong dịp Tết, có 10 nhóm hàng hóa thiết yếu được Bắc Ninh đưa vào chương trình dự trữ (theo dự báo nhu cầu tiêu dùng/1tháng) nhằm bình ổn giá như gạo các loại, trứng gia cầm, thịt gà, thực phẩm chế biến, dầu ăn, bánh mứt kẹo các loại, nước ngọt… Tổng kinh phí dự trữ các nhóm hàng hóa nêu trên vào khoảng 750,8 tỷ đồng, trong đó  kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ thực hiện Chương trình là 75 tỷ đồng với lãi suất 0% cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện Chương trình, đáp ứng khoảng 10% nhu cầu tiêu dùng của 10 nhóm mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh trên một tháng (theo mức giá được khảo sát thị trường tại thời điểm xây dựng Chương trình).

 

Đối tượng tham gia là các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đáp ứng đủ điều kiện đăng ký tham gia, chấp hành các quy định của Chương trình và các quy định pháp luật khác có liên quan; có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; có uy tín, năng lực, kinh nghiệm kinh doanh các mặt hàng phù hợp với nhóm hàng hóa của Chương trình; có năng lực tài chính; có phương án chuẩn bị nguồn hàng, điểm bán hàng cố định và nguồn hàng cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định và xuyên suốt thời gian thực hiện Chương trình. Tuân thủ các quy định về yêu cầu đảm bảo chất lượng, an tòan thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, thông tin nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật và có cam kết hoàn trả tiền tạm ứng đúng hạn.

 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp tham gia chương trình phải thực hiện đăng ký giá với cơ quan có thẩm quyền, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, giá bán các mặt hàng trong Chương trình phải đảm bảo luôn thấp hơn giá bán các mặt hàng cùng chủng loại, chất lượng và cùng thời điểm trên thị trường ít nhất 5%. Tỉnh sẽ ưu tiên xét chọn các doanh nghiệp đã tham gia tích cực và chấp hành tốt các quy định của Chương trình trong những năm trước.

 

Ngoài nguồn vốn chủ động của doanh nghiệp, Bắc Ninh sẽ tạm ứng từ nguồn ngân sách tỉnh 75 tỷ đồng với lãi suất 0% cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện Chương trình, đáp ứng bình quân 10% nhu cầu tiêu dùng của 10 nhóm mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện trong 6 tháng.

 

Theo chỉ đạo, Sở Công thương Bắc Ninh có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài chính tổ chức hướng dẫn và thẩm định các doanh nghiệp tham gia Chương trình; thực hiện việc kiểm tra, giám sát đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu đề ra. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, triển khai việc dự trữ hàng hóa bình ổn kết hợp thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Đoàn kiểm tra 389 của tỉnh kiểm tra việc niêm yết giá, bán theo giá đăng ký của doanh nghiệp tham gia Chương trình. Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ động phối hợp với các đơn vị cấp huyện và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp đầu cơ hàng hóa, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt về thị trường, giá cả hàng hóa và các hình vi vi phạm hàng giả, buôn lậu và gian lận thương mại theo thẩm quyền.

 

Các doanh nghiệp tham gia Chương trình phải tổ chức thực hiện đúng phương án đã đăng ký, đảm bảo hàng hóa theo quy định. Chấp hành điều động cung ứng hàng hóa để điều tiết, bình ổn thị trường theo yêu cầu của cơ quan chức năng khi có xảy ra biến động thị trường.

 

Các điểm bán hàng phải treo băng rôn, khẩu hiệu với nội dung “Điểm bán hàng bình ổn giá”; tổ chức bố trí hàng hóa ở các vị trí thuận tiện, riêng biệt để người dân dễ nhận biết và mua sắm; bán đúng giá đã đăng ký, sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích và hoàn trả đúng hạn. Chấp hành sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, chủ động tăng mức dự trữ lượng hàng đảm bảo tổng lượng hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn.

 

Theo Thời Báo Ngân Hàng


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang