Đến hết năm 2021, Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp (KCN) tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 6.398 ha; có 10 khu đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 91,2% diện tích đất đã thu hồi; quy hoạch 35 cụm công nghiệp, với tổng diện tích quy hoạch 1.101,7 ha, trong đó, 31 cụm được thành lập, 21 cụm đã đi vào hoạt động.
Thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, gia tăng chuỗi giá trị, thời gian qua Bắc Ninh chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Samsung triển khai các chương trình hợp tác nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ (CNHT).
Toàn tỉnh hiện có 37 nhà cung ứng cấp II và 19 nhà cung ứng cấp I. Trong đó có 3 công ty là nhà cung ứng cấp I cung cấp linh kiện, sản phẩm cho các nhà máy khác nhau của Samsung đó là: Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Bao bì Thăng Long (3 nhà máy); Công ty TNHH Nam Á (2 nhà máy); Công ty TNHH Thương mại cơ khí và ứng dụng công nghệ thông minh Việt Nam (Smart Tech Vina) (2 nhà máy). Tổng doanh thu cấp cho Samsung tính đến cuối năm 2021 đạt hơn 92 triệu USD.
Nhiều doanh nghiệp trong nước trở thành nhà cung ứng cấp 1, 2, 3 cho doanh nghiệp FDI
Việc chủ động đổi mới đã giúp các DN nội địa dần đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để cung cấp linh kiện cho các dự án FDI nói chung và Samsung nói riêng, tạo động lực cho ngành CNHT của Bắc Ninh phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh quý I/2022 xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học là ngành chủ lực của tỉnh đã tăng trưởng tới 9,93%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng năm 2022 tăng 17,67% so với cùng kỳ (công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,74%). Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng trưởng rất cao ví như: Màn hình điện thoại sử dụng ống đèn hình tia catot tăng 37,2%; linh kiện điện tử tăng 26%...
Với mục tiêu phát triển trở thành trung tâm sản xuất điện tử hoàn thiện hàng đầu Việt Nam, Bắc Ninh đã tập trung vào các phân khúc giá trị cao như: điện thoại thông minh, thiết bị điện tử, linh phụ kiện điện tử tích hợp chuỗi giá trị… Với sự hiện diện 3 nhà máy của Tập đoàn Samsung (SEV, SDV, SDIV) tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ USD đầu tư vào KCN Yên Phong, từ năm 2018 Bắc Ninh đã vươn lên vị trí số 1 về quy mô sản xuất công nghiệp trong cả nước, đồng thời trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp điện tử lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, ngành sản xuất sản phẩm điện tử chiếm tới 79,3% toàn ngành công nghiệp và là ngành chủ lực góp phần phát triển lĩnh vực công nghiệp, tăng trưởng kinh tế tỉnh Bắc Ninh.
Ngành CNHT của tỉnh được quan tâm và từng bước tạo được điểm nhấn bứt phá, hình thành sự liên kết, kết nối các DN trong nước với DN FDI nâng cao chuỗi giá trị toàn cầu. Các DN nhỏ và vừa trong khu, cụm công nghiệp và làng nghề tiểu thủ công nghiệp, đã từng bước tạo được nền tảng vững chắc và khẳng định vai trò “đầu tàu” của nền kinh tế cho ngành công nghiệp.
Các khu, cụm công nghiệp của Bắc Ninh đã thu hút được các nhà đầu tư từ các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc theo hướng có chọn lọc, lựa chọn các nhà đầu tư, dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường và đóng góp lớn cho sự phát triển chung của tỉnh. Nhiều DN trên địa bàn trở thành nhà cung ứng cấp 1, 2, 3 cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài và từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Để nâng cao vị thế của Bắc Ninh trong chuỗi giá trị các lĩnh vực điện tử, tỉnh đã tiếp tục tập trung dịch chuyển sản xuất sang các sản phẩm và hoạt động với giá trị cao như: Sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị đeo thông minh, màn hình, linh kiện điện tử bằng việc tăng cường nghiên cứu phát triển các sản phẩm điện tử; đồng thời mở rộng chuỗi cung ứng qua sản xuất vật liệu điện tử.
Bắc Ninh đã có sẵn các lợi thế và yếu tố hỗ trợ cần thiết cho hoạt động sản xuất điện thoại và thiết bị đeo thông minh, bao gồm các cơ sở vật chất và quỹ đất tại các KCN, lực lượng lao động với chuyên môn sẵn có và các cơ chế chính sách ưu đãi cho hoạt động của DN sản xuất, chuỗi cung ứng đã được hình thành theo các dự án FDI của các thương hiệu toàn cầu như Samsung, Canon, Foxconn… Ngoài ra về mặt chi phí như chi phí nhân công, đất đai, các dịch vụ tiện ích và vận chuyển, khi so sánh với các địa điểm khác trong khu vực và quốc tế, Bắc Ninh vẫn đang là điểm đến cạnh tranh.
Hiện nay, một trong những ưu tiên phát triển trong ngành điện tử của Bắc Ninh là sản xuất thiết bị bán dẫn. Đây là lĩnh vực tương đối hấp dẫn, dự kiến tỷ lệ tăng trưởng hàng năm trong giai đoạn 2020-2025 khoảng 6,9%. Bắc Ninh có sẵn nhu cầu với mảng thiết bị bán dẫn và có khả năng xây dựng chuỗi giá trị bằng việc thu hút được Tập đoàn Amkor đầu tư tại KCN Yên Phong II-C, tổng vốn đầu tư lên tới 1,6 tỷ USD. Giai đoạn đầu, dự án sẽ tập trung vào việc cung cấp các giải pháp lắp ráp và kiểm tra Hệ thống tiên tiến trong gói (SiP) cho các công ty sản xuất điện tử và bán dẫn hàng đầu thế giới. Mảng này cũng tiếp tục tạo nhiều việc làm có thu nhập cao cho người dân địa phương.
Định hướng đến năm 2030, Bắc Ninh phấn đấu trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao. Rà soát, đánh giá thực trạng và định hướng bố trí không gian, nguồn lực cho phát triển ngành công nghiệp, tích hợp vào quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với trọng tâm là hình thành hệ sinh thái phát triển công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào nhóm ngành điện tử, phát triển công nghiệp bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.
Thế Ngọc