Nhà máy của công ty CPF (thuộc tập đoàn CP), chuyên sản xuất thịt chế biến và các món ready-to-eat để bán trong các cửa hàng tiện lợi và xuất khẩu ở tỉnh Phetchaburi (Thái Lan) là điểm đến được ưu tiên lựa chọn trong chuyến đi học hỏi kinh nghiệm của các DN Việt lần này.
Chớp lấy cơ hội
Tại đây, họ chứng kiến dây chuyền sản xuất hiện đại làm ra sản phẩm đang được cho là bán chạy nhất của công ty này, đó là món Phở Việt Nam "made in Thailand" với nguyên liệu chính là ở Thái Lan, nhưng cách chế biến, mùi vị hoàn toàn của Việt Nam. Qua quan sát, sản phẩm có thiết kế bao bì bắt mắt, rất dễ dàng sử dụng khi chỉ cần cho vào lò vi sóng tầm 1-2 phút là có thể thưởng thức ngay.
Lãnh đạo công ty CPF cho biết sản phẩm Phở Việt Nam do họ sản xuất đang bán rất chạy tại châu Mỹ, nơi mà các sản phẩm ready-to-eat rất được ưa chuộng.
Đặc biệt họ nhận thấy, nhu cầu của món Phở tại Mỹ ngày càng tăng lên, theo Viện nghiên cứu nhập cư, tính đến năm 2014 đã có 8.900 cửa hàng Việt Nam tại Mỹ và con số này ngày càng tăng lên.
Qua thăm dò của công ty này, Phở Việt Nam đã cùng với Pizza Ý, bánh burritos Mexico và Sushi Nhật Bản trở thành một trong những món ăn được ưa chuộng nhất tại Mỹ.
Đó cũng là lý do vì sao ban đầu công ty này chỉ đặt văn phòng thương mại tại Mỹ nhưng sau đó đã quyết định xây dựng hẳn một nhà máy hiện đại tại đây để sản xuất các sản phẩm ready-to-eat đang bán chạy này và hiện tại đã trở thành nhà máy lớn nhất trong hệ thống với sản lượng 2 triệu sản phẩm mỗi ngày.
Các sản phẩm của công ty (dĩ nhiên là có món Phở Việt Nam) được phân phối rộng rãi trong các siêu thị, kênh bán lẻ lớn như Walmart, Costco, Kroger, Amazon…
Chính các chuyên gia kinh tế của Việt Nam cũng xác nhận về độ lan toả của Phở Việt Nam "made in Thailand" khi họ đi vào các siêu thị ở Mỹ, EU hay Nhật Bản, Hàn Quốc và dễ dàng nhìn thấy sản phẩm này.
Nhiều chuyên gia đã bày tỏ sự tiếc nuối cho một sản phẩm thực phẩm vốn nổi tiếng trên toàn thế giới, mang đậm bản sắc của người Việt nhưng lại được người Thái nhanh chân nắm bắt cơ hội kinh doanh, trong khi DN Việt lại quá chậm chạp.
Rõ ràng, đây là bài học cho các DN Việt khi chưa biết tận dụng các cơ hội sẵn có từ thương hiệu Phở Việt để tiến đến chế biến XK.
"Học một sàng khôn"
Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu các DN Việt không tận mắt chứng kiến nhà máy sản xuất sản phẩm phở này theo công nghệ 4.0. Toàn bộ nhà máy sản xuất hơn 200.000 sản phẩm mỗi ngày, nhưng chỉ có chưa đến 10 công nhân, một số dây chuyền tự động hoá hoàn toàn chỉ có hai công nhân điều khiển. Nhà kho chất cao lên đến trần được điều phối hàng hoá ra/vào hoàn toàn bằng robot.
Điều gây ngạc nhiên với đoàn DN Việt là các sản phẩm sản xuất của họ rất đa dạng, bao bì đóng gói được thiết kế rất đặc biệt (bằng giấy nhưng không làm rò rỉ nước sốt ra ngoài), hạn sử dụng tới 18 tháng.
Trong câu chuyện này, có thể thấy giá trị gia tăng lớn nhất mà các nhà XK thực phẩm Thái Lan có được là ở khâu phân phối và marketing, tiếp đến là khâu R&D (nghiên cứu, phát triển) và chế biến.
Điều đó đã phần nào lý giải vì sao các tập đoàn kinh doanh hoạt động trên phạm vi toàn cầu của Thái Lan thường tập trung nhiều vào các hoạt động phân phối và marketing, nghiên cứu và quy trình sản xuất.
Việc họ đầu tư vào khâu R&D và vai trò ở những trường đại học có mối liên kết chặt chẽ với DN. Như những gì mà đoàn DN Việt tận mắt nhìn thấy ở trường Đại học Kasetsart khi đến tham quan.
Trường của họ như một nhà máy sản xuất thử thu nhỏ với các máy móc đủ để thử nghiệm, sản xuất với số lượng nhỏ, máy kiểm tra mùi vị, không chỉ để phục vụ nhu cầu nghiên cứu mà còn cho các DN nhỏ và vừa có thể thử nghiệm sản xuất trước khi quyết định nhập máy móc để sản xuất hàng loạt, chi phí các DN phải trả thường rất nhỏ, không đáng kể.
PGs.Ts Tunyarut JinKarn của trường đại học này chia sẻ hai mô hình liên kết nghiên cứu gắn với DN. Một là DN đến đặt yêu cầu với trường đại học, trường sẽ tư vấn cách thức làm, thời gian và ngân sách cần thiết.
Hai là tại Thái Lan có những quỹ của chính phủ tài trợ cho các công trình nghiên cứu và thúc đẩy việc đưa nghiên cứu vào thực tiễn. Các DN có thể đặt hàng trường độc lập hay tập hợp thành nhóm đều được.
Việt Nam hiện đã có mô hình này, song quan trọng là ở hiệu quả, mức độ liên kết và làm sao để duy trì niềm tin giữa DN và nhà trường. Đây là khâu yếu nhất Việt Nam chưa làm được.
"Đi một ngày đàng, học một sàng khôn", chắc chắn là sau chuyến đi thực tế của đoàn DN Việt tại Thái Lan sẽ "vỡ" ra nhiều bài học bổ ích để các món ngon, đặc sản Việt do chính các DN trong nước chế biến và XK ra thế giới chứ không phải lặp lại như trường hợp "made in Thailand" của Phở Việt Nam.
Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh