Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê năm 2021, về trình độ công nghệ, khoảng trên 30% doanh nghiệp (DN) cho biết hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động, chỉ hơn 10% DN có sử dụng thiết bị tự động hoá, và chưa đến 10% DN có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất. Điều này cho thấy, năng lực của DN CNHT của Việt Nam còn nhiều hạn chế cả về năng lực quản lý sản xuất và trình độ công nghệ.
Xét theo chuỗi giá trị, tỷ trọng DN hoạt động ở các phân khúc mang lại giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị khá thấp, chỉ có khoảng 19% DN dệt may da giày và 33% DN điện tử có thực hiện công đoạn thiết kế trong quá trình sản xuất. Theo đánh giá chung của các chuyên gia, các DN CNHT Việt Nam còn thiếu nguồn lực để đổi mới; chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Phần lớn DN CNHT chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, hay những công cụ quản lý sản xuất thông dụng. Chỉ có khoảng 20% DN có chứng nhận ISO 9000 (quản lý chất lượng), 9% DN có chứng nhận ISO 14000 (quản lý môi trường).
Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra, hiện nay, DN đầu chuỗi như Samsung thì công nghệ là yêu cầu phải có, nhưng với DN Việt thì đây là rào cản vì kỹ năng, năng lực đáp ứng yêu cầu tham gia vào chuỗi còn khiêm tốn.
Có thể nói, DN CNHT Việt Nam hiện tại chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, yếu về vốn và công nghệ, trình độ quản trị sản xuất còn thấp. Việt Nam có khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó DN trong nước chiếm khoảng 30%. Tuy nhiên, hiện nay, rất ít DN trong nước đầu tư vào lĩnh vực CNHT, hoặc nếu đầu tư thì phần lớn không đáp ứng được yêu cầu của các DN đầu tư nước ngoài (FDI) do sản phẩm CNHT còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong sản phẩm.
Nếu muốn trở thành nhà cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, các DN cần phải vượt qua rất nhiều hạng mục tiêu chí. Đơn cử, một tập đoàn lớn như Samsung có 4 bộ chỉ số về đảm bảo chất lượng, an toàn an ninh, kiểm soát minh bạch và đảm bảo chỉ số sản xuất. Các tập đoàn, DN lớn khác của Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu… cũng đều có những quy định khắt khe tương tự như vậy.
Các DN CNHT Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia chuỗi giá trị
Trước nay, khi nói về bài toán phát triển CNHT, người ta vẫn coi tỷ lệ nội địa hoá bao nhiêu phần trăm là một tiêu chí quan trọng. Song, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập đa dạng với thế giới thì tỷ lệ đó không quan trọng bằng hàm lượng công nghệ đóng góp cho chuỗi giá trị. Việc các DN có thể đón góp bao nhiêu hàm lượng công nghệ cao trong từng sản phẩm chính là yếu tố quan trọng hàng đầu để phát triển CNHT.
Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cũng tin tưởng nếu được quan tâm, đầu tư đúng mức, CNHT của Việt Nam sẽ phát triển theo hướng hiện đại, có hàm lượng công nghệ cao, không chỉ đủ phục vụ trong nước mà còn đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Các sản phẩm CNHT “Made in Vietnam” đã được nhiều tập đoàn lớn của thế giới đang đầu tư tại Việt Nam, như Samsung, LG, Apple, Honda, Toyota,... tin dùng và trở thành nhà cung ứng một số sản phẩm CNHT phục vụ chuỗi sản phẩm công nghiệp chính.
Thực tế cho thấy, một số DN sản xuất linh kiện của Việt Nam có năng lực tốt ở các lĩnh vực như: Sản xuất khuôn mẫu các loại; Linh kiện xe đạp, xe máy; Linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; Dây cáp điện; Linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; Săm lốp các loại… Các sản phẩm này đã đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.
DN CNHT trong nước cũng ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo, trong đó đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo như: Vingroup, Trường Hải, Thành Công… Điều đó đã tạo nền tảng cho ngành CNHT, giúp các DN CNHT của Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay: “Việc thúc đẩy mạnh công nghiệp, trong đó có CNHT vẫn là trọng tâm cần ưu tiên. Do vậy, cần làm rõ điểm nghẽn, vướng mắc, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc nâng cao năng lực, cải thiện sức cạnh tranh của DN trong thời gian tới. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã và đang nghiên cứu thêm các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các DN CNHT, đồng thời phối hợp xây dựng các nhà máy thông minh thông qua hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia triển khai đào tạo quản lý cấp trung, mở ra cơ hội hợp tác với DN đầu chuỗi lớn khác”.
Minh Vũ