Tràn lan thực phẩm bẩn
Thống kê của Cục An toàn thực phẩm cho biết, năm 2015, cả nước có tới 76.000 cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, 260 cơ sở bị đình chỉ sản xuất hoạt động, 700 sản phẩm bị đình chỉ lưu hành, hơn 1.900 sản phẩm bẩn bị tiêu hủy. Quả là một con số đáng lo ngại!
Có lẽ phải mở một cuộc bình chọn cho Việt Nam là đất nước có nhiều “ảo thuật gia” ẩm thực tài ba nhất bởi những kỹ xảo “hô biến” vô cùng điêu luyện và tinh vi: Từ cao su mà có gạo không cần trồng lúa, trứng không cần gà đẻ, mực không cần đánh bắt; Thịt bẩn đang phân hủy biến ngay thành thịt sạch tươi ngon, chân gà đông lạnh hàng năm trời trở thành “đặc sản” trong nhiều nhà hàng, quán ăn; Thịt bò khô ngon, đẹp, bắt mắt được phù phép bằng công nghệ gan heo, phổi heo và hóa chất; Giấm từ axit và nước lã; Rau tưới dầu nhớt xanh mướt, chuối ngâm thuốc diệt cỏ, măng ngâm chất vàng ô; những chiếc xúc xích thơm lừng được làm từ da gà và nội tạng bẩn… Mới đây nhất, cả nước phải “phát hoảng” trước thông tin có hơn 6 tấn Salbutamol đã được sử dụng cho“heo ăn heo béo, bò ăn bò nạc, gà ăn gà chắc… và người ăn người bị ung thư”. Nếu không sớm được phát hiện, có lẽ tất cả số nguyên liệu “bẩn” trên đã sớm chui vào bụng người Việt.
Cái kết đã định sẵn!
Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng thực phẩm có chứa hóa chất sẽ gây ra nhiều tác hại khôn lường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Chất cấm trong chăn nuôi có tác dụng làm tăng hàm lượng protein, kích thích tăng trọng nhờ quá trình chuyển hóa hàm lượng mỡ tích tụ trong các mô cơ ở vật nuôi. Chất cấm này có khả năng tồn dư lâu trong cơ thể động vật ngay cả khi đã chế biến, nếu ăn phải rất dễ xảy ra ngộ độc, chất độc tích tụ trong gan, gây ra các bệnh ảnh hưởng đến tim mạch, hệ thần kinh trung ương…, thậm chí tích tụ lâu ngày có thể gây ung thư.
Tương tự, các loại thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu của Trung Quốc đã bị cấm sử dụng do chứa hàm lượng độc tố cao, bền vững trong môi trường, có những loại hợp chất phải trên 15 năm mới bị phân huỷ hết trong điều kiện tự nhiên, nhưng vẫn được người nông dân vô tư dùng để phun trừ sâu, bệnh, cỏ dại, để ướp hoa quả, bảo quản, lưu trữ rau quả khi vận chuyển nhằm tránh bị thối hỏng. Khi con người ăn phải các loại rau quả có chứa các hoá chất độc hại này thì cơ thể không có khả năng đào thải ra ngoài qua đường tiêu hoá mà các hoá chất này sẽ được tích luỹ dần trong các mô mỡ, gan và tuỷ sống… gây lên nhiều bệnh tật nguy hiểm trên con người như đãng trí, giảm thị lực và sức đề kháng kém... Hoá chất khi tích luỹ trong cơ thể đến một liều lượng nhất định có thể gây đột biến gen, làm cho một số tế bào phát triển bất thường, đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh ung thư.
Nếu như ở năm 2000 chỉ có khoảng 69.000 ca mắc mới ung thư, thì đến năm 2015, số ca mắc mới đã tăng hơn gấp đôi lên đến 150.000 ca. Theo đà này, ước tính đến năm 2020, số ca mắc mới ung thư sẽ là gần 200.000, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư cao nhất thế giới. Điều đáng lo ngại là nguyên nhân gây ra ung thư xuất phát từ thực phẩm bẩn chiếm tới 35%. Do đó, chẳng ai có thể đảm bảo rằng, con số này sẽ dừng lại nếu như tình trạng thực phẩm bẩn vẫn tiếp tục diễn ra, người dân Việt Nam nên “tập xác định” trước cái kết cho cuộc đời mình, chỉ vài năm nữa thôi, những ngôi làng ung thư sẽ “đua nhau” mọc lên, căn bệnh ung thư quái ác sẽ đến. Giống nòi Việt Nam sẽ bị suy kiệt nhường chỗ cho suy thoái đạo đức lên ngôi.
Vì đâu nên nỗi?
Với những người ham tiền, hám của, coi mạng người như “cỏ rác”thì thật khó để đặt lên bàn cân đạo đức và tiền bạc, bởi tiền lãi kinh doanh 01 kg chất tạo nạc Salbutamol là cao ngất ngưởng, giá nhập chất này theo đường chính ngạch chỉ có 1,5 triệu đồng/kg, trong khi đó giá bán ra lên tới 15 triệu đồng/kg, người dân không cần tốn công chăn nuôi nhiều, lợn vẫn lớn, thịt nạc và nặng ký để bán; rau không chăm vẫn xanh mướt, hoa quả để cả tháng không bị hư hỏng, thịt thiu thối vẫn bán được mà không lo bị lỗ, chỉ 120 nghìn/kg vàng ô có thể trộn vào hàng chục cân măng, làm thức ăn cho gà để có màu vàng đẹp, “đắt hàng như tôm tươi”.
Cảnh báo măng nhuộm màu bán ở các chợ
Mới đây, khi trao đổi với phóng viên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ ra một nghịch lý: “Chúng ta xuất khẩu hơn 30 tỷ USD các mặt hàng nông lâm thuỷ sản. Sản phẩm của Việt Nam đã có mặt ở các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản..., nhưng tại sao sản phẩm nội địa lại bẩn?”. Điều này chứng tỏ chúng ta đã buông lỏng trong quản lý sản phẩm lương thực, thực phẩm tiêu thụ nội địa. Hóa chất, chất cấm được người dân mua bán một cách dễ dàng, sử dụng liều lượng vô tội vạ, chỉ cần nhìn ngon, đẹp mắt, hấp dẫn nhiều người mua là được, còn người tiêu dùng thì bị mắc quả lừa với chiêu trò mời gọi rau sạch nhà trồng, thịt nhà nuôi, nếu chỉ dựa vào mắt thường và kinh nghiệm hoàn toàn là không thể.
Hà Nội là nơi có trình độ dân trí cao, kinh tế phát triển, thế nhưng đến giờ vẫn tồn tại hẳn một địa bàn chuyên dung dưỡng cho tội ác “giết người từ từ”. Đó là những khu chợ cóc như khu chợ thuộc khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) được phát hiện mới đây là nơi bán rất nhiều thịt lợn ế, ôi thiu, có cả thịt lợn bị bệnh, ốm chết. Giá thì không thể rẻ hơn: chỉ từ 30 ngàn đồng/kg - 60 ngàn đồng/kg dành cho khách hàng là những tiểu thương, người lao động thu nhập thấp và các quán cơm bình dân giá rẻ. Một thực trạng thật đáng buồn!
Bao giờ người Việt Nam hết “đói” thực phẩm sạch?
Thực phẩm bẩn đã trở thành “quốc nạn” của Việt Nam, như một đại dịch tấn công tất cả mọi người. Chính vì vậy mà gần đây, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã có nhiều việc làm, hành động cụ thể, thiết thực, nhằm từng bước giảm thiểu tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan như không ngừng tuyên truyền,vận động nông dân tuân thủ khuyến cáo của ngành nông nghiệp trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cam kết không sử dụng chất cấm trong quy trình sản xuất rau xanh; Vận động những cơ sở chế biến thực phẩm cam kết sử dụng phụ gia đúng quy định; Tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử phạt nghiêm các vi phạm, công khai danh tính những cơ sở chăn nuôi, trồng trọt cố tình đưa chất cấm, hóa chất độc hại vào sản xuất…
Ngoài ra, cần tổ chức mở thêm nhiều cửa hàng bán thực phẩm an toàn trong các chợ truyền thống, nhất là ở những nơi đông dân cư, khu công nghiệp có đông công nhân, lao động với giá bán hợp lý. Đặc biệt sắp tới, Bộ Luật Hình sự sửa đổi (bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7/2016) sẽ chính thức hình sự hóa đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt và chế biến thực phẩm sẽ là tiếng chuông cảnh báo rõ nhất, thức tỉnh những người có ý định gây ra “tội ác” cũng phải cân nhắc giữa cái lợi trước mắt và việc trả giá cho hành động đó. “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016” được phát động; người chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh thực phẩm bẩn nâng cao ý thức đạo đức, người dùng nhận biết và tránh xa các loại thực phẩm độc hại. Hãy nỗ lực, chung tay góp sức, đồng lòng đẩy lùi thực phẩm bẩn vì một Việt Nam khỏe mạnh.
Lý Nguyễn
Diễn đàn: “Người Việt không thể đầu độc người Việt”
Thực phẩm bẩn đang là nỗi lo của toàn xã hội, thu hút nhiều sự quan tâm của các cấp, các ngành. Đặc biệt, nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị xã hội đã phát biểu trên báo chí, lên tiếng bày tỏ không yên tâm về thực trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: “Người Việt không thể đầu độc người Việt”
Sử dụng thực phẩm không an toàn là chúng ta đang bị đầu độc. Người Việt không thể đầu độc người Việt. Việc này phải làm Cuộc vận động. Những người sản xuất phải có cam kết: Tôi là người Việt Nam, tôi là gia đình văn hoá thì không được làm những việc trái với văn hoá là sản xuất không an toàn (Phát biểu tại Hội nghị về Quy chế phối hợp giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Chính phủ ngày 30/3).
Ông Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ: “Vi phạm về sinh an toàn thực phẩm rốt cuộc là ở khâu tổ chức thực hiện”
Tôi có một lòng tin rằng, việc giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) chắc chắn sẽ phải làm tốt. Chúng ta xác định rõ trách nhiệm của bộ máy chính quyền, ai không làm hết trách nhiệm phải xử lý nghiêm và ngay. Đích thân tôi và Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát từng kiểm tra nhiều nơi, phát hiện ra một điều rằng, vi phạm ATTP rốt cuộc là ở khâu tổ chức thực hiện. Có những việc không cần tuyên truyền ai cũng biết, ngay cả đô thị lớn nói mãi vẫn không làm được là cái thớt gỗ mà các gia đình thường dùng chính là thủ phạm dẫn đến mất VSATTP nhất (Phát biểu tại Hội nghị về Quy chế phối hợp giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Chính phủ ngày 30/3).
Ông Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn: “Để giám sát được VSATTP, chúng ta cần thiết kế một chương trình đồng bộ, phải làm có trọng tâm, trọng điểm”
Qua khảo sát tại một số địa phương như Nghệ An, chúng tôi thấy có một vấn đề, ngay cả đất để trồng rau sạch cũng bị ô nhiễm vì đây là những mảnh đất lâu năm, ngấm thuốc sâu, nếu muốn trồng tiếp rau sạch thì phải mất 3 năm nữa mới có thể cải tạo mảnh đất đó. Cho nên, để giám sát được VSATTP, chúng ta cần thiết kế một chương trình đồng bộ, phải làm có trọng tâm, trọng điểm, phân rõ vai trò của Bộ Y tế, Mặt trận Tổ quốc như thế nào, Đoàn thanh niên làm gì, các tổ chức đoàn thể khác làm gì... (Phát biểu tại Hội nghị về Quy chế phối hợp giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Chính phủ ngày 30/3).
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Y tế: “Dự thảo luật Dược mới đưa chất cấm trong nông nghiệp vào trong danh mục thuốc đặc biệt để kiểm soát”
Vấn đề chất cấm vừa qua xử lý rất quyết liệt. Bộ Y tế phối hợp ngừng không cho nhập, kiểm tra rút giấy phép và chuyển cơ quan điều tra những vụ vi phạm. Dự thảo luật Dược mới đưa chất cấm trong nông nghiệp vào trong danh mục thuốc đặc biệt để kiểm soát...
Bộ NN&PTNT làm rất quyết liệt và đã lập đường dây nóng. Vấn đề truyền thông như thế nào không khéo người dân nghĩ ung thư đến nơi rồi. Ung thư đâu phải chỉ vì an toàn thực phẩm, mà có rất nhiều yếu tố như ô nhiễm môi trường (Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 26/3).
Anh Cao Đức Phát và chị Nguyễn Thị Kim Tiến (Bộ trưởng NN&PTNT và Bộ trưởng Y tế) nói, các Bộ phối hợp với nhau rất tốt, nhưng tại sao dân vẫn phải ăn bẩn? Cần có biện pháp quyết liệt ngay và cho TP.HCM thí điểm thành lập 1 cơ quan trực thuộc UBND TP, để lo việc này. Phải tập trung vào một đầu mối. Cứ bộ nọ đổ cho bộ kia thì không làm được. Hỏi ai cũng bảo trách nhiệm của tôi xong rồi, nhưng cuối cùng dân vẫn ăn bẩn mà không ai chịu trách nhiệm (Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 26/3).
Bà Lê Thị Nga - Phó chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội: “Không ngăn chặn được vấn nạn thực phẩm bẩn thì không thể đảm bảo quyền tiếp cận thực phẩm sạch của người dân”
Vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ở mức rất báo động, "vấn nạn" này đã đẩy người dân vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”: Không ăn thì không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy.
Không ngăn chặn được vấn nạn thực phẩm bẩn thì không thể đảm bảo quyền tiếp cận thực phẩm sạch của người dân, không có một nền nông nghiệp sạch và thua ngay trên sân nhà trước các sản phẩm sạch ngoại nhập (Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng 1/4).
|