Nhìn đâu cũng thấy thực phẩm bẩn
Thực phẩm bẩn (hết hạn sử dụng, tẩm ướp hóa chất độc hại, sử dụng nguyên liệu ôi thiu, sản xuất trong điều kiện mất vệ sinh, bày bán, bảo quản không che đậy đúng cách…) từ tươi sống đến chế biến đang tràn lan trên thị trường.
Ngay như TP. Hồ Chí Minh, một trong những nơi được xem là văn minh nhưng thực phẩm bẩn cũng xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều sản phẩm được ngụy trang rất khéo, bày bán công khai và cơ quan chức năng tổ chức nhiều đoàn kiểm tra nhưng dẹp nhiều mà không dứt.
Đơn cử, chỉ trong tuần đầu tháng 10/2018, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã xử lý 6 vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, thu nhiều hàng hóa vi phạm. Cùng với đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống dịch bệnh gia cầm, gia súc phát hiện 3 vụ vi phạm về kiểm dịch, xử lý 55 con gia cầm và 300 kg thịt gia súc. Kiểm tra kinh doanh thực phẩm, phát hiện 7 vụ vi phạm, hành vi vi phạm do hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, tạm giữ 8.390 đơn vị sản phẩm gồm rượu, bia, sữa, nước giải khát, xí muội, mực sấy... Ngoài ra, còn xử phạt hành chính các cơ sở về hành vi giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết hạn sử dụng, không thực hiện kiểm nghiệm sản phẩm thực phẩm định kỳ theo quy định, không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng thuộc diện phải khám sức khỏe định kỳ.
Trong tháng 8/2018, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đã ra 87 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm về an toàn thực phẩm, tổng số tiền phạt hơn 743 triệu đồng. Trong đó, xử phạt 14 cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hồ sơ công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Chẳng hạn, Cơ sở chế biến suất ăn sẵn Song Hiếu đường Đông Bắc, khu phố 7, phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12) đã bị Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 66.000.000 đồng. Nguyên nhân do sử dụng nguyên liệu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ để chế biến thực phẩm (bắp cải, nấm, đậu que, cà rốt); không có dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; không đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường, không tách biệt với nhà vệ sinh và các nguồn ô nhiễm khác; không có biện pháp ngăn ngừa côn trùng, động vật gây hại; không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải theo quy định hoặc có nhưng không đảm bảo vệ sinh; không thu dọn chất thải, rác thải hàng ngày; không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng thuộc diện phải khám sức khỏe định kỳ; sử dụng người lao động không mang, mặc trang phục bảo hộ theo quy định; không có sổ sách ghi chép việc thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước theo hướng dẫn của Bộ Y tế; không lưu mẫu thức ăn, lưu mẫu nhưng không đúng quy định.
Nêu một vụ cụ thể như trên với hàng loạt vi phạm cho thấy, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn không được nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm chú tâm, chỉ quan tâm nhiều đến lợi nhuận và xem nhẹ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.
Rượu thủ công không đảm bảo chất lượng đã được cơ quan chức năng của TP. Hồ Chí Minh tiêu hủy
Chế tài nặng với thực phẩm bẩn
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, thực phẩm bẩn đang là bài toán nan giải không chỉ riêng TP. Hồ Chí Minh mà của cả nước. Mặc dù các cơ quan chức năng gần đây đã tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm. Tuy nhiên, mức xử phạt còn rất nhẹ là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho vấn đề thực phẩm mất an toàn vệ sinh nghiêm trọng và diễn biến phức tạp như hiện nay.
Trước thực trạng đó, Nghị định 115/2018/NĐ-CP có hiệu lực thực thi từ ngày 20/10/2018 sẽ nâng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm gấp nhiều lần so với trước đây.
Cụ thể, Nghị định 115/2018/NĐ-CP áp dụng mức xử phạt từ 10- 100 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ, hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong chế biến thực phẩm. Mức phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh thực phẩm ẩm mốc, bụi bẩn hoặc tiếp xúc các yếu tố gây bẩn, nơi bán thực phẩm không có bàn tủ giá kệ theo đúng quy định. Mức phạt 1-3 triệu đồng nếu nơi kinh doanh bày bán có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; bày bán thực phẩm trên thiết bị dụng cụ không đạt vệ sinh; người chế biến thức ăn không đội mũ, khẩu trang, không cắt ngắn móng tay, không sử dụng găng tay với thức ăn chín, ăn ngay. Mức phạt 3 - 5 triệu đồng dành cho hành vi không thực hiện lưu mẫu thức ăn, cống rãnh khu vực chế biến thức ăn bị ứ đọng, không được che kín...
Ngoài mức xử phạt bằng tiền tăng khoảng 3-4 lần so với trước đây, Nghị định còn có nhiều điều mới là các khung quy định khá chi tiết, rõ ràng đối với từng hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Nghị định cũng ghi rõ thẩm quyền xử phạt của các lực lượng như QLTT, hải quan, thanh tra, công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển… Chế tài đã được tăng nặng, tránh nhiệm đã được giao, vấn đề là vận hành quy định mới như thế nào để các loại thực phẩm bẩn không gây nhức nhối trong cuộc sống của cộng đồng là trách nhiệm của các lực lượng quản lý thực phẩm.
Nguồn Báo Công Thương