Thiệt hại lớn
9 tháng đầu năm 2018, cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 401.653 cơ sở, phát hiện 77.105 cơ sở vi phạm về ATTP, phạt tiền hơn 42,5 tỷ đồng. Các vi phạm chủ yếu như: Sản xuất mà không công bố sản phẩm, đưa thêm các chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe, quảng cáo quá mức…
Ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam - cho biết, là một đất nước có thế mạnh về nông nghiệp với giá trị xuất khẩu nông sản thực phẩm lên tới hơn 18 tỷ USD, nhưng Việt Nam cũng bị thiệt hại khoảng 700 triệu USD/năm do vấn đề mất ATTP, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Do đó, muốn xây dựng thương hiệu cho nông sản và thực phẩm, Chính phủ cần có những chiến lược phù hợp, trong đó có thể áp dụng kinh nghiệm thực tế của một số nước trên thế giới.
Theo ông Gabor Fluit - Tổng giám đốc Deheus châu Á (DN sản xuất thức ăn chăn nuôi của Hà Lan) - trước đây, nền nông nghiệp Việt Nam hầu như chỉ chú trọng vào xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường trong nước ngày càng lớn mạnh, người tiêu dùng Việt Nam khó tính hơn trong việc lựa chọn thực phẩm. Điều này có nghĩa Việt Nam cần kiểm soát chặt hơn các tiêu chuẩn về ATTP, có chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ các đối tác, đặc biệt là các DN tham gia vào chuỗi thực phẩm an toàn.
Cần đầu tư lâu dài
Ông Ousmane Dione cho rằng, Việt Nam cần lưu ý kiểm soát chặt hơn nữa thị trường thực phẩm nội địa bởi thực tế cho thấy, đã có sự gia tăng rõ rệt của tầng lớp trung lưu trong những năm gần đây - những người có nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn ở trong nước; đồng thời có những chính sách khuyến khích sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn bền vững hơn trong thời gian tới.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cũng cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao kiến thức cơ bản cho chủ DN và người lao động trong việc sản xuất ra các sản phẩm thực phẩm an toàn. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ DN kết nối cung - cầu về sản phẩm ATTP thông qua các chuỗi và tạo đầu ra cho DN thông qua hệ thống phân phối trong nước. Ngoài ra, DN cần phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan làm trong sạch môi trường kinh doanh, nói không với sản phẩm, thực phẩm không an toàn; sẵn sàng tiêu hủy, không cung cấp sản phẩm, thực phẩm không an toàn ra thị trường.
Để DN sản xuất đảm bảo ATTP, bà Sarah Cruikshank Ockman - Giám đốc Toàn cầu Chương trình ATTP của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - nói, các DN Việt Nam phải vượt qua "rào cản" tâm lý, thực sự hiểu được những giá trị mà các tiêu chuẩn quốc tế về ATTP mang lại; cần xem việc đầu tư vào các tiêu chuẩn ATTP là một loại chi phí và là một khoản đầu tư cho sự phát triển bền vững của DN, nâng cao giá trị thương hiệu.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dữ liệu quốc gia về an toàn thực phẩm để người dân biết, theo dõi và lựa chọn sản phẩm. |
Nguồn Báo Công Thương