Nhận thức sâu sắc về vấn đề này, Công ty Điện lực Quảng Ninh (PC Quảng Ninh) đã và đang chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ kỹ thuật đến truyền thông, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ sự cố và nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ "mạch máu" năng lượng này.
Cụ thể, PC Quảng Ninh đã tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ lưới điện cao áp, đặc biệt là các điểm xung yếu, xử lý dứt điểm các khiếm khuyết tiềm ẩn trước mùa mưa bão. Bên cạnh đó, công tác thống kê, phân tích nguyên nhân các vụ vi phạm hành lang gây sự cố được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là chú trọng đến công tác lập biên bản hiện trường các vụ vi phạm, xâm hại hành lang. Ngoài ra, hàng loạt giải pháp kỹ thuật cũng đã được Công ty áp dụng như: Sử dụng vật liệu cách điện (ốp nhựa PVC, nắp chụp silicone) cho xà và sứ; Thay dây lèo trần bằng dây bọc tại các vị trí cột góc; Bịt kín các lỗ trên trụ; Dùng tấm ốp bảo vệ thân trụ bê tông; Phát quang chân trụ, móng néo, dây néo; Bó gọn cáp viễn thông... nhằm ngăn chặn hiệu quả các loài động vật (như rắn) leo lên trụ, gây nguy cơ chạm chập.
Song hành với các giải pháp kỹ thuật, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng cũng được PC Quảng Ninh đặc biệt chú trọng và triển khai với nhiều hình thức đa dạng. Nổi bật trong đó là các buổi tọa đàm, phổ biến, hướng dẫn… hoặc phát tờ rơi, cẩm nang… tại các buổi họp, sinh hoạt tổ dân, khu phố trên địa bàn về an toàn điện. Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc phổ biến, hướng dẫn các quy định pháp luật hiện hành và các văn bản mới ban hành liên quan đến bảo vệ HLATLĐCA, điển hình như: Luật Điện lực (Luật số 61/2024/QH15, hiệu lực từ 01/02/2025): Quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ HLATLĐCA tại Chương VIII, Điều 67, 68, 69; Nghị định số 62/2025/NĐ-CP (ban hành ngày 07/3/2025): Quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện lực và đảm bảo an toàn.
Mặt khác, công tác phối hợp với chính quyền địa phương các cấp được PC Quảng Ninh đẩy mạnh triển khai nhằm kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hành vi có nguy cơ gây mất an toàn cho công trình lưới điện như: Trồng cây xâm lấn hành lang, xây dựng, san lấp mặt bằng gần đường dây, các phương tiện cơ giới vi phạm khoảng cách an toàn, thả diều, dù lượn, bắn pháo giấy tráng kim loại gần lưới điện... Đặc biệt, Công ty cũng chủ động tham mưu các giải pháp xử lý vi phạm và đề nghị tăng cường quản lý nhà nước về trật tự xây dựng. Khi người dân khai thác cây trồng trong hoặc ngoài hành lang có nguy cơ ảnh hưởng đến đường dây, Điện lực sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền và chủ sở hữu để có biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và lưới điện, đặc biệt khi có diễn biến thời tiết bất lợi.
Cán bộ An toàn Xí nghiệp Lưới điện Cao thế Quảng Ninh tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp đến người dân
Không dừng lại ở đó, PC Quảng Ninh còn làm việc với các đơn vị vận chuyển vật liệu, thi công công trình (sắt thép, bơm bê tông), đơn vị viễn thông, truyền hình cáp, quảng cáo... để hướng dẫn, thỏa thuận các biện pháp thi công an toàn gần HLATLĐCA; Lắp đặt biển cảnh báo tại các vị trí có nguy cơ cao xảy ra sự cố, tai nạn; Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện cam kết với các tổ chức, các cá nhân, trường học, các hộ dân được giao đất, giao rừng có đường dây cao áp đi qua về bảo vệ HLATLĐCA. Phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị quản lý vận hành lưới điện với các tổ chức vui chơi giải trí, người dân về các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí như dù lượn, khinh khí cầu, thả diều, câu cá… để lắp biển cảnh báo, tuyên truyền về bảo vệ HLLĐCA.
Cần nhấn mạnh rằng, các hành vi tưởng chừng vô hại như trồng cây cao, câu cá, thả diều, vật bay gần đường dây điện cao áp, nhưng đều tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng, không chỉ cho người thực hiện mà còn đe dọa sự ổn định của cả hệ thống điện. Việc trộm cắp, tháo gỡ thiết bị điện, tự ý đào, đổ đất trong hành lang, hay treo băng rôn, kéo cáp viễn thông lên cột điện đều là những hành vi vi phạm pháp luật, có thể dẫn đến những tai nạn điện thương tâm.
Do vậy, bảo vệ HLATLĐCA không chỉ là trách nhiệm của ngành Điện mà còn là nghĩa vụ của mỗi người dân, mỗi tổ chức trong xã hội. Việc đảm bảo an toàn cho "mạch máu" năng lượng này không chỉ phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân mà còn là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, tích cực tham gia bảo vệ hệ thống lưới điện, góp phần xây dựng một cộng đồng an toàn, văn minh và phát triển. Việc lan tỏa thông điệp này qua các phương tiện truyền thông đại chúng là vô cùng cần thiết, bởi mỗi hành động nhỏ có ý thức hôm nay sẽ góp phần tạo nên sự thay đổi lớn cho ngày mai.
Ngọc Lan – PC Quảng Ninh