Gìn giữ báu vật làng nghề
Trong thời phong kiến, không hiếm hình ảnh các ông phó bừa chuyên vác trên vai cái bừa, dao, cày, cuốc, đi lang thang khắp nơi bán bừa hoặc sửa cày bừa đi bán... Đây cũng là hình ảnh quen thuộc của người dân làng Vĩnh Lộc xưa.
Làng Vĩnh Lộc thuộc xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội, xưa có tên gọi là làng Lọc (Chữ lọc có nghĩa là chắt lọc hương khí của đất trời, chắt lọc thế đất của người xưa). Đây là vùng nông giang có điều kiện tự nhiên thuận lợi, có thế đất phong thủy tốt. Ngoài nghề trồng lúa, làng còn có nghề rèn sắt. Theo các cụ truyền lại, nghề đã có từ lâu đời, nhưng lại được trạng Bùng sau khi đi sứ nhà Minh về tham gia góp ý cho sản phẩm, Cụ có công cải tiến kĩ thuật cho cày bừa nên làng nghề phát triển hơn từ ngày đó.
Trong kháng chiến chống Pháp, làng vẫn duy trì nghề thủ công truyền thống nhưng chỉ là nghề phụ, làm thêm của người nông dân trong những ngày nông nhàn. Mô hình sản xuất tập thể đầu tiên được ghi nhận từ năm 1959, khi HTX cày bừa lửa hồng được thành lập với hai tổ sản xuất: Tổ nông cụ và Tổ rèn. Năm 1964, HTX thành lập thêm Tổ đúc gang thép chuyên đúc lưỡi cày, diệp cày, xoong chậu…
Sau khi đất nước thống nhất (năm 1975), Nhà nước có chủ trương “Phát triển sản xuất hàng tiêu dùng và công nghiệp địa phương là một nhiệm vụ cực kì quan trọng và cấp bách”, nhân dân Vĩnh Lộc đã đẩy mạnh phát triển các nghề thủ công truyền thống như: Sản xuất cày, bừa, cuốc, xẻng, máy tuốt lúa, các công cụ gia đình... Những mặt hàng của Vĩnh Lộc được đánh giá rất cao. Hàng năm, Vĩnh Lộc đã sản xuất và bán ra hàng nghìn chiếc cày, bừa, hàng trăm xe cải tiến, máy tuốt lúa cho nhân dân trong vùng. Theo số liệu thống kê năm 1985, làng Vĩnh Lộc đã sản xuất, cung cấp 4.100 cái cày, 4.100 bừa, 25270 cuốc, 14 250 xe cải tiến, 4.810 máy tuốt lúa.
Ông Phùng Ngọc Nam - Chủ tịch UBND xã Phùng Xá
Trong suốt thời kỳ từ năm 1986 đến năm 2000, qua các kỳ Đại hội, Đảng bộ, chính quyền huyện Thạch Thất đã thống nhất chủ trương, đường lối, tập trung chỉ đạo tạo đà phát triển kinh tế: Đại hội Đảng bộ huyện Thạch Thất lần thứ XVI (năm 1986), Đại hội Đảng bộ huyện Thạch Thất Khóa XIX (năm 1996), lần thứ XX (năm 2000)…, nhờ đó sản xuất TTCN - dịch vụ được bung ra, phát triển mạnh hơn với nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh, các tiềm năng thế mạnh kinh tế địa phương được phát huy. Đây cũng là cơ hội để làng nghề Vĩnh Lộc “bật” lên.
Năm 2000, làng Vĩnh Lộc đã được UBND tỉnh Hà Tây cấp bằng công nhận làng nghề cơ kim khí.
Sức bật làng nghề
Đầu những năm 2000, các hoạt động sản xuất theo phương thức truyền thống, trong phạm vi làng Vĩnh Lộc không còn phù hợp. Để phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làng Vĩnh Lộc cần giải quyết các nhu cầu bức thiết: Quy hoạch, cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường,…
Năm 2006, Cụm điểm công nghiệp cơ kim khí Vĩnh Lộc - Phùng Xá được quy hoạch, xây dựng và đị vào hoạt động với diện tích 11ha, tập trung 400 hộ sản xuất. Cụm Công nghiệp được xây dựng với hệ thống điện, đường giao thông đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các hộ sản xuất.
Ông Trần Văn Sửu - Chủ tịch Hội làng nghề Cơ kim khí Phùng Xá
Trao đổi với ông Trần Văn Sửu - Chủ tịch Hội Làng nghề cơ kim khí Vĩnh Lộc - Phùng Xá được biết: Trước khi quy hoạch điểm cụm công nghiệp, sản xuất của các hộ trong làng nghề thường nhỏ lẻ với vài mặt hàng như: Dao, liềm, cuốc, xẻng, cày, bừa. Nay các mặt hàng phong phú hơn, mẫu mã đẹp hơn, chất lượng cao hơn với nhiều loại như: Cửa xếp, tấm lợp, lưới thép, làm chi tiết kết cấu khung nhà thép, mái lán, nhà xưởng. Làng đã có những doanh nghiệp làm cây cầu có chiều dài hàng trăm mét, trọng tải vài chục tấn, nhà thép, các thiết bị nâng hạ có trọng tải lên tới 30 tấn, các thiết bị xây dựng, có đơn vị sản xuất giá đỡ của linh kiện điện tử. Hiện nay, 100% số hộ áp dụng công nghệ, sử dụng các loại máy móc tự động, bán tự động. Nhờ áp dụng công nghệ vào khoảng hơn chục năm nay như: công nghệ CNC cắt, uốn, đột lỗ, công nghệ robot…, sản xuất tăng hơn hẳn cả về số lượng, chất lượng, gấp đôi cho đến hàng chục lần sản xuất thủ công.
Ông Phùng Ngọc Nam - Chủ tịch xã Phùng Xá cho biết: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng của Đảng bộ, Chính quyền các cấp cùng với sự quyết tâm, sáng tạo của nhân dân địa phương, nghề cơ kim khí Vĩnh Lộc đã có những bước phát triển vượt bậc. Hiện nay, trên địa bàn có khoảng 378 cơ sở sản xuất cơ kim khí, tạo công ăn việc làm cho trên 3000 lao động với mức lương trung bình 9,5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, do tốc độ phát triển của làng nghề nhanh nên điểm cụm công nghiệp hiện nay không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất. Trong những năm 2021 -2030 tầm nhìn 2045, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng, mở rộng điểm cụm công nghiệp lên khoảng trên 63 ha. Việc này, chúng tôi đang xây dựng và đệ trình lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Từ năm 2010, Huyện Thạch Thất tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình Nông thôn mới. Đảng ủy, Chính quyền huyện Thạch Thất luôn coi làng nghề truyền thống là động lực xây dựng NTM. Chính vì vậy làng nghề cơ kim khí Vĩnh Lộc, Phùng Xá càng có thêm điều kiện phát triển hơn.
Phối cảnh Nhà thờ tổ nghề cơ kim khí Phùng Xá
Ông Hoàng Chí Lượng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết: Xác định được tầm quan trọng của các làng nghề truyền thống trong quá trình xây dựng nông thôn mới, ngay từ đầu, Huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, trong đó đã tranh thủ sự ủng hộ của các ban ngành Thành phố, trực tiếp là Sở Công Thương để tổ chức hội thảo, mở các lớp tập huấn, đào tạo, giới thiệu mô hình trình diễn kỹ thuật, tập trung thực hiện có hiệu quả đề án “Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề huyện Thạch Thất giai đoạn 2014- 2020”. Nhờ vậy, tại các làng nghề truyền thống, nhiều cơ sở đã tiếp cận các nguồn vốn vay đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, mua sắm máy móc, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đổi mới thiết bị, công nghệ, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, huyện Thạch Thất còn thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về thuế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới thành lập, tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc ở các cụm điểm công nghiệp làng nghề.
Sự quan tâm, định hướng chỉ đạo của chính quyền các cấp đã giải quyết được các nhu cầu sản xuất bức thiết của nhân dân làng nghề Vĩnh Lộc; tạo điểm tin to lớn để người dân làng nghề Vĩnh Lộc, Phùng Xá tiếp tục giữ lửa và phát huy những giá trị kinh tế, văn hóa của báu vật làng nghề mà cha ông đã để lại.
Được biết, nhân dân xã Phùng Xá đang xây dựng Khu nhà thờ tổ (Nhà thờ Phường Bừa xưa) với diện tích 2.500m2 với mục đích tưởng nhớ công đức tổ nghề, làm nơi tế lễ, hội họp và khu trưng bày sản phẩm làng nghề.
Ngọc Minh