Báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương cho thấy, năm 2017 toàn tỉnh đã thu hút được hơn 45.500 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, tăng 52%; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 2,7 tỷ USD, vượt 87% kế hoạch năm, tăng 75% so với năm 2016. Vốn FDI giải ngân đạt khoảng 80%. Đa số các dự án sau khi được tỉnh cấp phép đầu tư đều nhanh chóng xây dựng nhà máy để sớm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tính đến tháng 12/2017, Bình Dương đã thu hút tổng cộng 3.037 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 28,47 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước sau TP. Hồ Chí Minh. Trong đó đầu tư vào các khu công nghiệp là 1.878 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 19,52 tỷ USD và chiếm 68,5% số vốn đầu tư FDI trên toàn tỉnh.
Về đối tác đầu tư, đến nay đã có hơn 64 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh Bình Dương, trong đó xuất hiện ngày càng nhiều các tập đoàn, công ty xuyên quốc gia có năng lực về tài chính và công nghệ. Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Samoa là những quốc gia, vùng lãnh thổ có mối quan hệ lâu dài và đầu tư bền vững với tỉnh Bình Dương.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành nghề đứng đầu trong thu hút vốn FDI với 2.406 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư hơn 19 tỷ USD, chiếm 82% tổng vốn đầu tư đăng ký trên toàn tỉnh. Đứng thứ 2 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với những dự án có quy mô lớn đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư với 37 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,2 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư đăng ký trên toàn tỉnh. Những lĩnh vực khác như thương mại dịch vụ phân phối hàng hóa, xây dựng, vận tải từng bước chiếm số vốn tương đối lớn trong cơ cấu lĩnh vực đầu tư FDI tại tỉnh Bình Dương.
Đầu tư FDI nhiều năm qua góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp với gần 82% tổng vốn FDI vào tỉnh Bình Dương thuộc lĩnh vực sản xuất. Bình Dương đang hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, gắn với bảo vệ môi trường. Do vậy, chuyển giao công nghệ thông qua các dự án có vốn FDI để tiếp cận và từng bước áp dụng công nghệ tiên tiến của các nước phát triển là mục tiêu quan trọng trong thu hút FDI của tỉnh.
Thành phố mới Bình Dương với hạ tầng đồng bộ, hiện đại sẽ thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư trong thời gian tới
Tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Bình Dương không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao các chỉ số về năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, hỗ trợ DN khởi nghiệp. Năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; ban hành Quyết định phê duyệt Dự án "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN vừa và nhỏ tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020". UBND tỉnh đã tổ chức gặp gỡ đối thoại trực tiếp với các chi hội doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, các DN sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh và hiệp hội các ngành hàng DN có vốn đầu tư trong nước... kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc cho DN một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Năm 2018 tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp gắn với thực hiện hiệu quả chương trình Đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020. Tiếp tục thu hút đầu tư tập trung vào lĩnh vực thương mại dịch vụ, các dự án phát triển đô thị, dự án nông nghiệp kỹ thuật cao, các dự án sản xuất công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thấp và khả năng đóng góp lớn cho ngân sách.... Việc Bình Dương tập trung phát triển thành phố thông minh, đặc biệt là Đề án phát triển Trung tâm thành phố mới, cùng với chính quyền điện tử sẽ mang đến những điều kiện tốt nhất để Bình Dương tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lý tưởng kỳ vọng tạo thành làn sóng đầu tư vào Bình Dương sẽ tăng mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Nguồn Báo Công Thương