Về phía tỉnh Ninh Thuận có đại diện lãnh đạo Sở Công Thương là ông Trần Quốc Sanh – Phó Giám đốc Sở Công Thương, đại diện phòng Quản lý công nghiệp tỉnh, ông Phạm Thanh Bình – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Ninh Thuận cùng các cán bộ Trung tâm tiếp đón và làm việc với Đoàn công tác của tỉnh Bình Dương.
Tại buổi làm việc, đại diện tỉnh Ninh Thuận đã tổng kết những thành tựu của tỉnh đạt được trong thời gian qua. Theo đó, với phương châm biến hạn chế thành lợi thế, tỉnh Ninh Thuận đã thu hút nhiều dự án năng lượng tái tạo đăng kí đầu tư với 7 dự án điện mặt trời, 5 dự án điện gió và đang triển khai dự án điện khí… phấn đấu trong tương lai trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả và có sức lan tỏa rộng lớn. Trong giai đoạn 2018 -2020 đã có 12 sản phẩm được công nhận là sản phẩm đặc thù của tỉnh, trong đó bao gồm 6 sản phẩm cây trồng là nho, măng tây, tỏi, táo, nha đam, rong sụn; 3 sản phẩm làng nghề là thổ cẩm Mỹ Nghiệp, nước mắm Cà Ná, gốm Bàu Trúc; 3 sản phẩm vật nuôi là tôm giống, cừu, dê. Kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất và đẩy mạnh xúc tiến thương mại được chú trọng để từ đó phát huy thế mạnh và khai thác lợi thế của địa phương. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Ninh Thuận còn hợp tác với Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) triển khai dự án “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp”.
Ngoài ra, tham dự buổi làm việc, cán bộ thuộc hai đoàn đã trao đổi thẳng thắn những khó khăn trong việc triển khai công tác khuyến công tại địa phương, công tác xây dựng ban hành văn bản pháp luật về khuyến công, cách thức triển khai đề án khuyến công hiệu quả…Qua đó rút ra bài học kinh nghiệm về công tác quản lý khuyến công sao cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội để từ đó nâng cao kiến thức vận dụng vào quá trình thực hiện các hoạt động khuyến công phù hợp và đạt hiệu quả hơn nữa, góp phần đổi mới nền kinh tế tại tỉnh nhà.
Ngọc Bích