Trong kế hoạch nâng tầm ngành CNHT, Bình Dương đã phát triển riêng một khu công nghiệp tại huyện Bàu Bàng với quy mô trên 1.000 ha, ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào CNHT, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài. Hiện tại, Bình Dương cũng đang xây dựng danh mục chính sách ưu đãi thu hút đầu tư trên địa bàn trong danh mục có các dự án thuộc lĩnh vực CNHT.
Khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến ngày một phức tạp, căng thẳng trên thế giới, các doanh nghiệp đã nhận thấy rõ tầm quan trọng của nguồn cung nguyên liệu và sản phẩm CNHT của các doanh nghiệp cung ứng trong nước. Theo bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước vẫn là một tiêu chí của các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu. Hiện nay nguồn cung này đã đáp ứng được 60% nhu cầu cho các doanh nghiệp may mặc. Ông Nguyễn Văn Lê, Phó Tổng giám đốc Công ty Giày Đông Hưng (TP.Dĩ An) cho biết, từ năm 2012, công ty đã nỗ lực kết nối với các các DN cung ứng nguyên liệu trong nước để chủ động nguồn cung và đáp ứng đòi hỏi yêu cầu xuất xứ hàng hóa rất gắt gao từ phía đối tác lớn.
Thời gian qua, Bình Dương đã tập trung phát triển và hình thành được các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho các ngành như: Dệt may (công nghiệp sản xuất sợi, dệt vải, dây kéo, nhuộm, hoàn thiện sản phẩm dệt); cơ khí (sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm từ kim loại, sản xuất máy móc thiết bị và phụ tùng cho các ngành công nghiệp ô tô); điện - điện tử (sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất thiết bị dây dẫn điện, cáp quang)... Đến nay, tỉnh đã thu hút được hơn 2.300 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực CNHT.
Theo đánh giá của nhóm chuyên gia Khoa Quản lý công nghiệp, Đại học Bách khoa TP.HCM, Bình Dương nằm trong tốp 5 địa phương có ngành CNHT phát triển mạnh của cả nước gồm: TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Bắc Ninh. Sự phát triển của CNHT đã bước đầu hình thành sự liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết: “Để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương đã và đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển CNHT, giúp tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm... Trong đó, chú trọng ưu tiên phát triển các ngành CNHT, sớm hoàn chỉnh quy hoạch vùng nguyên phụ liệu và vùng CNHT, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc mời gọi đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh các dự án thuộc lĩnh vực CNHT”.
Theo Đề án Điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bình Dương sẽ có 33 KCN với diện tích 14.790 ha. Đến nay, Bình Dương đã phát triển được 29 KCN và 12 cụm công nghiệp để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. |
Minh Phương