Thứ Bẩy, 23/11/2024 15:56:34 GMT+7
Lượt xem: 3171

Tin đăng lúc 27-01-2016

Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2015 và triển vọng năm 2016

Bước vào năm 2015, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, sự phục hồi chậm của nền kinh tế thế giới, khiến cho thương mại toàn cầu phát triển chậm; nền kinh tế Trung Quốc có xu hướng suy giảm, đồng Nhân tệ lại phá giá, tác động tiêu cực trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của nước ta; giá dầu thế giới giảm mạnh, làm đảo lộn kế hoạch thu ngân sách.
Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2015 và triển vọng năm 2016
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là tuyến đường cao tốc loại A, được áp dụng một số tiêu chuẩn quốc tế.

Song nhìn lại cả năm và kết quả đạt được, bức tranh kinh tế nước ta năm 2015 có nhiều gam màu sáng và tiếp thêm niềm tin mạnh mẽ vào một năm mới 2016 tốt đẹp hơn. Điều đó được thể hiện qua những chỉ tiêu sau đây:

 

GDP về đích 6,68% vượt kỳ vọng

 

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 ước tính tăng 6,68% so với năm 2014, cao hơn mục tiêu 6,2% đề ra và là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, cho thấy nền kinh tế phục hồi rõ nét, những khó khăn của nền kinh tế đang dần qua đi. 

 
Quy mô nền kinh tế năm 2015 theo giá hiện hành đạt 4192,9 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người năm 2015 ước tính đạt 45,7 triệu đồng, tương đương 2.109 USD, tăng 57 USD so với năm 2014.

 

Động lực tăng trưởng chủ yếu của năm 2015 đến từ sự phục hồi và tăng trưởng cao của sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sự tăng nhanh của sản xuất và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; của tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu được cải thiện nhờ lòng tin vào ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tính chung cả năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3.242,9 nghìn tỉ đồng, tăng 9,5% so với năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%, cao hơn mức tăng 8,1% của năm 2014). Và đặc biệt, những tác động bước đầu của việc triển khai thực hiện các luật mới được Quốc hội thông qua có liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi. Năm 2015, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 26,6% và số vốn tăng tới trên 39%, số doanh nghiệp phục hồi hoạt động trở lại cũng tăng rất cao. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2014 và 2015 của Chính phủ cũng đã tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2015.

 

Hàng loạt FTA được ký kết

 

Năm 2015 đánh dấu sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam với khu vực và thế giới. Sau 8 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước và khu vực, như FTA với Hàn Quốc, EU, Liên minh Kinh tế Á - Âu, tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.

 

Lạm phát thấp nhất 14 năm

 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 0,63% so với bình quân năm 2014, mức tăng CPI này thấp nhất kể từ năm 2001. Thông thường, CPI tăng thấp là dấu hiệu cho thấy tổng cầu suy giảm, tuy nhiên mức tăng thấp của năm nay được đánh giá là dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế.

 

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới WB tại Việt Nam, mức tăng trưởng kinh tế đáng kể đạt được trong năm nay phần nhiều là do tăng tổng cầu trong nước nhờ gia tăng đầu tư và tiêu dùng cá nhân. Cầu nội địa mạnh hơn, xuất khẩu vẫn được duy trì, cùng với lạm phát thấp và niềm tin được củng cố đã tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng trong trung hạn của Việt Nam. Đây là thời điểm thích hợp để củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thêm “khoảng đệm” chính sách thông qua những nỗ lực kiên quyết để kiềm chế sự mất cân đối tài khóa và giải quyết những vấn đề bất cập còn tồn tại của khu vực ngân hàng”.

 

Còn Tổng cục Thống kê cho rằng, CPI ở mức thấp và ổn định sẽ tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển và tạo điều kiện cho giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý được tính đầy đủ theo cơ chế thị trường.

 

Kết cấu hạ tầng giao thông được cải thiện

 

Tiếp sau việc đưa vào hoạt động tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai và nâng cấp Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14, khánh thành cầu Nhật Tân và đường cao tốc Hà Nội - Nội Bài vào đầu năm, việc khánh thành tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105 km vào đầu tháng 12/2015 là dấu mốc quan trọng trong quá trình đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông - vận tải. Việc khánh thành và đưa vào hoạt động nhiều công trình giao thông - vận tải trong năm 2015 đã góp phần quan trọng tạo bước đột phá mới về kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế trong những năm tới.

 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến quan ngại về các thách thức của nền kinh tế trong năm nay. Năm 2016 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ kế hoạch mới. Đà tăng trưởng của 2 năm gần đây sẽ tạo nền tảng để chúng ta thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2016. Song, chúng ta cũng đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Đó là sự phục hồi chậm và bất ổn của kinh tế thế giới. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, nên mỗi biến động của kinh tế toàn cầu đều tác động đến Việt Nam.

 

Thách thức thứ hai là về sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Năm 2015, dù số lượng doanh nghiệp mới tăng mạnh trở lại, nhưng chất lượng có vấn đề. Nếu Việt Nam không có hệ thống doanh nghiệp tư nhân đủ mạnh thì nền kinh tế sẽ thiếu sức cạnh tranh. Hy vọng trên đà của năm 2015, tác động của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ mang lại động lực cho sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân. Bỏ qua cơ hội này, chúng ta sẽ khó phát triển được.

 

Thách thức thứ ba là năng suất lao động. Đây là vấn đề cốt tử nhất của mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp. Muốn cạnh tranh, muốn vượt bẫy thu nhập trung bình thì phải nâng cao năng suất lao động quốc gia. Đây không chỉ là thách thức của riêng năm 2016, mà sẽ đè nặng chúng ta trong thời gian tới.

 

Một thách thức nữa, đó là năm 2016, chúng ta sẽ bắt đầu khởi động một quá trình hội nhập sâu rộng và toàn diện vào khu vực và thế giới, với việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), ký kết hàng loạt FTA, với sự tự do luân chuyển về hàng hóa, đầu tư và lao động có tay nghề cao. Hội nhập là mở cửa, là cạnh tranh, có tận dụng được cơ hội không, có nâng cao được năng lực cạnh tranh không, đó là những vấn đề rất lớn.

 

Để thực hiện mục tiêu của năm 2016 và 5 năm tới, cần phát huy tối đa nội lực, tranh thủ thời cơ để phát triển bền vững, kiên trì thực hiện chính sách đổi mới cơ bản và toàn diện đất nước. 

 

Lê Xuân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang