Thứ Bẩy, 23/11/2024 15:21:34 GMT+7
Lượt xem: 1104

Tin đăng lúc 17-11-2021

Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh: Tăng tốc sản xuất phục vụ thị trường Tết

Sau một thời gian dài gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đang dồn lực tăng tốc sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường Tết, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa bù đắp sụt giảm doanh thu. Các cơ quan chức năng của thành phố cũng tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tăng nguồn cung hàng hóa, với giá cả ổn định.
Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh: Tăng tốc sản xuất phục vụ thị trường Tết
Kiểm tra chất lượng trứng gia cầm tại Công ty cổ phần Ba Huân

Đẩy mạnh sản xuất

 

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) Phan Văn Dũng cho biết, dù là doanh nghiệp lớn chuyên ngành hàng thịt lợn tươi sống và chế biến, nhưng sau thời gian phải thu hẹp sản xuất do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, nguồn hàng dự trữ của công ty đã cạn kiệt. Vì vậy, Vissan đang đẩy mạnh sản xuất để bổ sung sản lượng hàng hóa phục vụ thị trường dịp cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Công ty đã đầu tư hơn 754 tỷ đồng để sản xuất 2.800 tấn thịt lợn tươi sống (tăng 8% so với cùng kỳ năm trước) và 4.200 tấn thịt chế biến (tăng 6%).

 

Hiện, Vissan tính đến phương án “dài hơi” thông qua việc tăng nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất. “Có hai khả năng đặt ra, sức mua Tết năm nay giảm so với Tết năm trước, nguồn nguyên liệu dự trữ sẽ phục vụ sản xuất hàng hóa cung ứng thị trường quý I-2022; còn nếu xảy ra khan hiếm thực phẩm thiết yếu như thịt thì chúng tôi có sẵn nguồn nguyên liệu để sản xuất, đáp ứng ngay cho thị trường”, ông Phan Văn Dũng cho hay.

 

Tương tự, Công ty cổ phần Ba Huân (sản xuất, kinh doanh thịt và trứng gia cầm) cũng đang tăng tốc sản xuất để sẵn sàng cung ứng khoảng 1,5 triệu quả trứng/ngày vào giai đoạn cao điểm mua sắm cuối năm, tăng hơn nửa triệu quả trứng/ngày so với thời điểm bình thường. “Chúng tôi cam kết bảo đảm nguồn hàng dự trữ, không để xảy ra thiếu hụt hàng hóa và tăng giá sản phẩm”, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân Phạm Thị Huân khẳng định.

 

Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng đang đứng trước không ít thách thức, đặc biệt là việc chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng 20-30%. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn, thiếu hụt lực lượng lao động…, càng tăng thêm áp lực trong việc bảo đảm sản lượng và giá cả hàng hóa cung ứng thị trường.

 

Là người tiêu dùng, chị Lê Thị Cẩm Hồng (ở phường Tân Thuận Đông, quận 7) cho biết, trong năm người dân có thể “thắt lưng buộc bụng” nhưng cuối năm vẫn sẵn sàng chi tiêu để có cái Tết no ấm. “Năm nay, thu nhập của đại bộ phận người dân sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm vẫn phải mua. Tôi hy vọng, hàng hóa phục vụ thị trường Tết năm nay không khan hiếm và giá cả ổn định”, chị Hồng bày tỏ.

 

Gắn kết cung - cầu, ổn định giá

 

Phó Tổng Giám đốc Vissan Phan Văn Dũng cho biết, từ thời điểm này, công ty tập trung cho sản xuất như đang trong cao điểm Tết. Còn theo đại diện Công ty TNHH San Hà (chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm gia cầm, thủy cầm tươi sống và thực phẩm chế biến các loại), cầu tăng tới đâu, công ty sẽ tăng cung tới đó dù hoạt động sản xuất vừa phục hồi trở lại sau đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư vẫn chưa thể quay lại nhịp độ bình thường.

 

Để khắc phục khó khăn, nhiều doanh nghiệp mong muốn chính quyền thành phố tạo điều kiện thuận lợi, giảm thiểu thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp chủ động phòng, chống dịch bệnh, duy trì liên tục dây chuyền sản xuất; khơi thông chuỗi cung ứng hàng hóa...

 

Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định, từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Sở sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường, tình hình cung - cầu hàng hóa, triển khai các biện pháp giám sát, quản lý giá, bảo đảm cân đối cung - cầu, ổn định giá cả trên địa bàn thành phố; hỗ trợ doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Cũng theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, sức mua cuối năm thường có xu hướng tăng. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, tăng sản lượng hàng hóa cung ứng thị trường tiêu dùng Tết.

 

Xác định nhiệm vụ ưu tiên là bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa, không để thiếu hụt nguồn hàng và biến động giá cả, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng nhấn mạnh, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương, các sở, ngành liên quan, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chủ động đánh giá tình hình, chú trọng công tác dự báo, phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp kích hoạt các phương án tạo nguồn cung dồi dào, tổ chức cung ứng hàng hóa ra thị trường. Đồng thời, chủ động triển khai các giải pháp ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa liên tục, không để đứt gãy.

 

Theo Hanoimoi.com.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang