Đây được ví như "cái bắt tay" chiến lược nhằm đưa PVFCCo trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất phân bón và hóa chất.
Theo đó, PVFCCo cùng đối tác UBE và Sojitz sẽ tiến hành nghiên cứu tiền khả thi dự án sản xuất Amoniac (NH3) tại khu vực Đông Nam Bộ, với công suất dự kiến từ 1.500 tấn đến 2.000 tấn/ngày và khả năng chế biến các dẫn xuất từ NH3, CO2… Nghiên cứu tiền khả thi được thực hiện trong vòng 6 tháng kể từ ngày ký.
Việc xây dựng Nhà máy sản xuất NH3 từ khí thiên nhiên tại khu vực Đông Nam Bộ trước hết sẽ đáp ứng nhu cầu NH3 ngày càng tăng để sản xuất các sản phẩm ngoài urê, như phân DAP, AS, cao su và các sản phẩm hóa dầu. Dự án xây dựng Nhà máy NH3 cũng nằm trong chiến lược phát triển dài hạn của PVFCCo nhằm trở thành doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam và khu vực trong lĩnh vực phân bón và hóa chất, trong đó đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực hóa chất.
Tổng công ty PVFCCo đang vận hành an toàn và hiệu quả Nhà máy Đạm Phú Mỹ từ năm 2004 và đang thực hiện nâng công suất xưởng NH3 thuộc Nhà máy Đạm Phú Mỹ từ 450 nghìn tấn lên 540 nghìn tấn/năm. Kinh nghiệm vận hành Nhà máy Đạm Phú Mỹ trong đó có xưởng NH3 sẽ là một lợi thế lớn của PVFCCo khi tham gia đầu tư xây dựng Nhà máy NH3 công suất tương tự, đặc biệt với sự hợp tác cùng các đối tác lớn trong ngành sản xuất và kinh doanh hóa chất.
Được biết, UBE là một tập đoàn lớn của Nhật Bản, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó chuyên sâu về hóa chất; là nhà tiêu thụ NH3 và sản xuất caprolactam (tiền chất của nylon) hàng đầu của Nhật Bản. Hiện tại, UBE có nhà máy sản xuất NH3 và caprolactam tại Nhật Bản, Tây Ban Nha, Thái Lan. Vì vậy, UBE tham gia dự án với vai trò vừa là nhà đầu tư, vừa là nhà bao tiêu sản phẩm tương lai.
Sojitz cũng là tập đoàn của Nhật Bản đa ngành nghề lớn, trong đó có sản xuất và buôn bán hóa chất. Tập đoàn này đã sớm thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Sojitz đang hợp tác với Tập đoàn PVN nghiên cứu một số dự án chế biến khí, đặc biệt là dự án nghiên cứu lớn sử dụng khí từ mỏ Cá voi Xanh để sản xuất methanol và các dẫn xuất.
Nếu dự án này trở thành hiện thực, PVFCCo sẽ mở rộng quy mô sản xuất và thị phần NH3 lên gấp đôi so với hiện tại. Đồng thời, thông qua hợp tác với PVFCCo, Sojitz và UBE sẽ có cơ hội mở rộng hơn nữa thị phần hóa chất chuyên dụng tại thị trường Việt Nam và khu vực.
Theo Tổng công ty PVFCCo, mặc dù trong năm qua nhu cầu về phân bón sụt giảm do ảnh hưởng của hạn hán, cùng với đó giá phân bón trong xu hướng giảm, tuy nhiên tính đến hết tháng 7-2016 Nhà máy Đạm Phú Mỹ thuộc PVFCCo đã sản xuất gần 500 nghìn tấn phân đạm cung ứng cho thị trường, hoàn thành 62% kế hoạch năm. Cũng tính đến hết tháng 7-2016, tổng sản lượng kinh doanh của PVFCCo đạt 765,6 nghìn tấn phân bón các loại, hoàn thành 67% kế hoạch năm, tăng 4% so với cùng kỳ 2015. |
Gia Khoa/hanoimoi