Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trung bình 5 - 10 năm qua, Việt Nam thường nhập khẩu từ nước ngoài trên dưới 40 tỷ USD/năm các trang thiết bị, máy, vật tư sản xuất cho toàn ngành kinh tế bao gồm sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, dịch vụ và an ninh quốc phòng. Thế nhưng, ngành cơ khí nội địa Việt Nam lại không có được nhiều thị phần, phải “tự bơi” trong cơ chế thị trường chưa hoàn thiện còn nhiều bất cập và chưa nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu từ hệ thống chính sách của Nhà nước để có nhiều đơn hàng từ đầu tư công như các nước khác, thậm chí chậm phát triển, tụt hậu so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Trước những tồn tại đang hiện hữu, theo VAMI, một trong những nguyên nhân khiến ngành công nghiệp cơ khí chế tạo của Việt Nam tụt hậu, yếu kém là do thiếu cơ chế, chính sách đủ mạnh.
Theo Tổng thư ký VAMI, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và sản phẩm được cung cấp cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng như xuất khẩu tới các nước phát triển. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu còn ít, chủng loại hàng hóa chất lượng cao chưa nhiều, giá trị hàng hóa của ngành công nghiệp hỗ trợ còn khiêm tốn. Nguyên nhân của thực trạng này là do Việt Nam chưa có khung pháp lý thống nhất, đồng bộ và đủ mạnh làm cơ sở thúc đẩy phát triển ngành cơ khí.
Tới đây chúng ta sẽ triển khai nhiều dự án lớn quan trọng của quốc gia có tổng mức đầu tư lớn như: Quy hoạch điện VIII giai đoạn từ 2021 - 2030 khoảng 133 tỷ USD, đường sắt tốc độ cao 50-60 tỷ USD, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt nội đô, các công trình giao thông, thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ô tô, xe máy… Con số thực tế cho thấy, thị trường cơ khí nội địa trong những năm tới của chúng ta là rất lớn.
Để ngành cơ khí nội địa nắm bắt được cơ hội này, VAMI đề xuất cần sớm xây dựng Luật Cơ khí, tạo lập khung pháp lý thống nhất, đồng bộ và đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, thúc đẩy ngành cơ khí trong nước phát triển.
PV