Cơ cấu doanh nghiệp liệu đã phù hợp?
Chia sẻ tại Diễn đàn "Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp" diễn ra mới đây, ông Lê Duy Bình – Chuyên gia kinh tế - Giám đốc Ecomomica Việt Nam- cho biết, về cơ cấu phân bố, hiện phần lớn doanh nghiệp Việt Nam nằm trong lĩnh vực dịch vụ trong đó tập trung bán buôn, bán lẻ và sửa chữa nhỏ, giá trị gia tăng rất thấp. Mỗi năm có gần 100.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực này được thành lập mới. Trong khi đó, lĩnh vực công nghiệp xây dựng con số này thấp hơn và đến doanh nghiệp lĩnh vực nông, lâm, thủy sản mỗi năm chỉ có chưa đến 2.000 doanh nghiệp thành lập. “Cơ cấu của doanh nghiệp như vậy đã phù hợp hay chưa? Chúng ta đã quan tâm tới các doanh nghiệp nông nghiệp hay chưa?...", ông Bình đặt câu hỏi.
Một vấn đề nữa đó là sự thiếu vắng doanh nghiệp cỡ vừa trong khi chúng ta phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Ông Bình nhận định, những doanh nghiệp vừa mới có nhiều tiềm năng để trở thành doanh nghiệp lớn, có khả năng đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D), tăng quy mô...
Về doanh nghiệp nhà nước (DNNN), hiện nay khu vực này đang nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng của nền kinh tế. Chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính sài hạn của các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh.
Theo Báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2020, tổng tài sản của khu vực DNNN tăng, vốn chủ sở hữu, tổng vốn nhà nước đang đầu tư tăng nhưng tổng doanh thu và lãi trước thuế lại giảm. Tỷ lệ đóng góp của DNNN về doanh thu và lợi nhuận ngày càng giảm mạnh. Do đó, cần tiếp tục cải cách khu vực DNNN trong thời gian tới.
Cùng theo ông Bình, hiện Việt Nam tham gia kí kết khoảng 17 hiệp định thương mại với nhiều quốc gia khác nhau. Trong đó, có nhiều FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKFTA... Các hiệp định này là nền tảng tốt cho hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam và đóng góp nhiều trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Những hiệp định này cũng đóng góp cho việc mở rộng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Dịch Covid-19 đặt ra những thách thức, nhưng cũng đi kèm với nhiều cơ hội mà nhiều doanh nghiệp đang nắm bắt. Để thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, TS. Lê Võ Phương Nga- Giám đốc Quản trị tài chính, Credit Agricole Pháp- nhận định, cần giải 04 bài toán gồm: Mô hình kinh tế tương lai, hướng đến phát triển kinh tế xanh và kinh tế số; nâng cao tương tác quốc gia, khả năng cạnh tranh, khả năng hợp tác, vị thế trong chuỗi giá trị và tương tác về nguồn lực lao động; tái cơ cấu kinh tế về chiều sâu, không chỉ thay đổi cấu trúc mà là thứ tự ưu tiên, cần phân bổ lại nguồn lực phát triển ở tầm quốc gia, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin; thể chế, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã giảm 2 năm liên tiếp do tác động của đại dịch, điều đó cho thấy các nước cũng đang đi rất nhanh và nhanh hơn cả Việt Nam. Áp lực hiện tại là cải cách thể chế và môi tường kinh doanh không phải trên giấy tờ mà bằng hành động cụ thể từ phía Nhà nước để chào đón doanh nghiệp.
Để giải được các bài toán này, theo bà Lê Võ Phương Nga, tái cơ cấu nền kinh tế sau khủng hoảng bằng huy động nguồn lực nội tại. Trước hết là tận dụng nguồn lực về tài chính trong dân, lượng tiền bơm vào nền kinh tế nằm rải rác trong dân. Việc đẩy được lượng tiền này vào lại nền kinh tế là cực kì cấp bách cho việc phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, cần tăng cường phục vụ thị trường nội địa. Sử dụng tích cực công cụ thuế và đòn bẩy tài chính để định hướng doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tái cơ cấu chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho Việt Nam. Đồng thời, cần tăng vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển đổi cơ cấu từ chiều rộng sang chiều sâu, từ thang giá trị thấp lên thang giá trị cao, thâm nhập thị trường khu vực và thế giới.
Doanh nghiệp cần đặt mình trong vai trò chủ động
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – nhận định, mặc dù đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, song việc triển khai cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 ở nước ta vẫn còn một số hạn chế. Mô hình tăng trưởng có thay đổi nhưng còn chậm. Tốc độ tăng năng suất lao động nội ngành chưa cao; đóng góp của tiến bộ khoa học công nghệ vào tăng năng suất lao động còn hạn chế. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành chưa rõ nét, chưa bền vững. Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị... Khu vực tư nhân phát triển chưa tương xứng với quy mô và độ mở của nền kinh tế; mức độ phụ thuộc vào khu vực kinh tế nước ngoài chưa giảm.
Để đạt được các mục tiêu dự kiến đặt ra và khát vọng phát triển đất nước trong thập kỷ tới, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2025 cần được đẩy nhanh hơn và thực sự bứt phá. Theo đó, muốn trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, tốc độ tăng năng suất lao động ít nhất phải đạt 6,5% hàng năm, cao hơn so với kết quả đạt được giai đoạn 2016-2020 là 5,8%.
Trong tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trên thế giới đã xuất hiện các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số và sự thay đổi đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng… Ông Hoàng Quang Phòng nhận định, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. Việc tái cơ cấu nền kinh tế cũng cần được doanh nghiệp quan tâm, đặt mình trong vai trò chủ động. Đồng thời, doanh nghiệp phải tính tới việc tái cơ cấu khi xuất hiện những “triệu chứng” thuộc về “hạ tầng cơ sở” liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến kết quả hoạt động hàng ngày như thị phần đang bị thu hẹp làm doanh số sụt giảm, công nợ nhiều làm cơ cấu tài chính không phù hợp và tăng chi phí sử dụng vốn... Việc tái cơ cấu cũng cấp thiết không kém bởi điều đó liên quan tới những vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp như mục tiêu, tầm nhìn và định hướng chiến lược, triết lý kinh doanh, giá trị cốt lõi và văn hóa doanh nghiệp...
Vẫn còn một khoảng cách rất lớn giữa doanh nghiệp đăng kí thành lập và doanh nghiệp thực sự hoạt động. Doanh nghiệp không còn tồn tại còn rất lớn. Do đó, ông Lê Duy Bình, cho rằng, giai đoạn tới cần thiết phải nâng tỷ trọng doanh nghiệp hoạt động lên. Đồng thời cho rằng, trong cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam cần phải tạo ra một không gian mới trong việc cấu trúc lại nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
Ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp
Một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2021 là tạo ra khuôn khổ thể chế và môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển lực lượng doanh nghiệp. Trong đó, bên cạnh những hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ thể chế cho doanh nghiệp là hỗ trợ quan trọng nhất. |
Theo báo Congthuong.vn