Theo Cục Quản lý cạnh tranh, trong 4 tháng đầu năm 2017, Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng - 1800.6838 - đã ghi nhận 1.895 cuộc gọi đến, trong số đó có 270 cuộc gọi liên quan đến yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại hoặc phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Thực tế có khoảng 10% khiếu nại liên quan đến hoạt động mua bán trực tuyến. Nguyên nhân chính là do khi mua hàng trực tuyến, người mua không được quan sát trực tiếp sản phẩm, nhiều trường hợp không chú ý và bỏ qua những điều kiện, điều khoản khi mua sản phẩm, chưa kể đến nguồn gốc xuất xứ của nhiều sản phẩm cũng rất mập mờ để đánh lừa người tiêu dùng…
Để tránh những rủi ro khi mua hàng online, theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần lưu ý những điểm sau:
- Nên mua hàng trên những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng.
- Tìm hiểu kỹ điều khoản bảo hành, trả hàng, giao nhận, thanh toán.
- Tìm thông tin sản phẩm trước khi mua bằng cách tìm kiếm thông tin về nguồn gốc xuất xứ, tính năng sản phẩm, những đánh giá về sản phẩm đó trên internet.
- Cảnh giác với những trang web và tài khoản Facebook quảng cáo sản phẩm, dịch vụ giá rẻ, yêu cầu người dùng phải cung cấp thông tin và chia sẻ chương trình... Bởi đây có thể là những trang web sử dụng thông tin người tiêu dùng trái với quy định pháp luật, gây phiền toái, thậm chí đánh cắp các thông tin tài chính của người tiêu dùng.
- Cảnh giác với thông báo trúng thưởng phiếu mua hàng mà phải bù thêm tiền; thông báo trúng thưởng nhưng phải đóng thuế/phí để nhận giải.
Đối với các chủ website bán hàng, vừa qua, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đã có thông báo đề nghị phải rà soát, gỡ bỏ các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, mặt hàng cấm hoặc hạn chế kinh doanh; ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin sản phẩm vi phạm pháp luật. Phải có biện pháp xử lý khi phát hiện hoặc nhận phản ánh về sản phẩm, hành vi vi phạm trên website của mình. Hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có thể phải chịu mức phạt lên đến 50 triệu đồng theo quy định tại Điều 83 của Nghị định 124/2015/NĐ-CP.
Trường hợp người tiêu dùng bị vi phạm quyền lợi mà không được doanh nghiệp giải quyết thỏa đáng thì có thể phản ánh, khiếu nại theo các phương thức sau:
Như Quỳnh