Thứ Bẩy, 23/11/2024 05:51:29 GMT+7
Lượt xem: 3612

Tin đăng lúc 23-11-2019

Cao Bằng: Năm 2019, nhiều đề án khuyến công đã thực hiện hiệu quả

Là một tỉnh miền núi phía Bắc, còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội, nhưng Cao Bằng lại là một trong những địa phương có hoạt động khuyến công khá hiệu quả. Điển hình là việc hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT), tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn địa phương.
Cao Bằng: Năm 2019, nhiều đề án khuyến công đã thực hiện hiệu quả
Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng tại Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Trường An

Đơn cử như Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Trường An (xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) - một trong những đơn vị được thụ hưởng ngân sách từ chương trình khuyến công quốc gia năm 2019 đã có những đổi mới trong công nghệ sản xuất, đem lại hiệu quả tích cực. Theo đó, đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng (sản xuất gạch không nung)” của đơn vị được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Cao Bằng (TTKC Cao Bằng) hỗ trợ 300 triệu đồng cho việc đầu tư 01 dây chuyền thiết bị sản xuất gạch không nung, công suất: 15.000.000 viên/năm (6.250 viên/giờ), xuất xứ: Trung Quốc. Với máy móc hiện đại, Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Trường An đã tạo sản phẩm gạch chất lượng hơn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ, tiết kiệm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm hợp lý, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương.


Được biết, năm 2019, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia của tỉnh Cao Bằng là 3,3 tỷ đồng, kinh phí khuyến công địa phương là 649 triệu đồng. Trong đó, chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2019, đã có hơn 1,3 tỷ đồng được trích ra để hỗ trợ thực hiện các đề án khuyến công. Bà Bế Thị Hương - Phó Giám đốc TTKC Cao Bằng cho biết: Mặc dù đã dành nhiều ưu tiên cho các đơn vị CNNT cải thiện năng lực sản xuất từ nguồn hỗ trợ khuyến công, tuy nhiên hiệu quả đạt được chưa như mong muốn. Lý do chính là hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay có quy mô nhỏ, sử dụng thiết bị lạc hậu, rất ít dự án đầu tư mới, gây khó cho việc tìm kiếm đối tượng thụ hưởng từ nguồn kinh phí khuyến công. Việc bố trí nguồn ngân sách địa phương cho hoạt động khuyến công cũng như định mức hỗ trợ còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Một số doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, nhưng chưa quan tâm đến chính sách khuyến công do nguồn vốn hỗ trợ thấp, không hấp dẫn. Ngoài ra, chưa có cán bộ chuyên trách khuyến công tại các huyện và cộng tác viên làm công tác khuyến công cấp xã, nên việc bám sát cơ sở, tìm ra những đối tượng thụ hưởng thích hợp và đủ điều kiện còn rất hạn chế dẫn đến số lượng đề án đăng ký ít, nội dung không cụ thể, doanh nghiệp chưa chủ động lập đề án hỗ trợ.

 

Trong thời gian tới, để hoạt động khuyến công đem lại hiệu quả thiết thực, TTKC Cao Bằng sẽ tiếp tục khảo sát các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn; Phối hợp với các cơ quan tăng cường tuyên truyền chính sách khuyến công; Tập huấn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng xây dựng và triển khai các đề án; Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế liên quan đến quản lý khuyến công địa phương; Tập trung hỗ trợ các chương trình đào tạo nghề, mô hình trình diễn kỹ thuật, thiết bị tiên tiến... từng bước thay đổi diện mạo CNNT, góp phần xây dựng Cao Bằng ngày càng vững mạnh, phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Bích Ngọc

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang