Thứ Sáu, 22/11/2024 08:42:39 GMT+7
Lượt xem: 2112

Tin đăng lúc 03-08-2018

Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Chưa được như kỳ vọng

Trong hai năm trở lại đây, với sự quyết tâm của Chính phủ, môi trường kinh doanh của nước ta đã có nhiều cải thiện; nhiều thủ tục hành chính rườm rà, điều kiện kinh doanh (ĐKKD) bất hợp lý đã được bãi bỏ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, tốc độ cải cách vẫn còn chậm, chưa có sự đồng đều trong quá trình cắt giảm ĐKKD của các bộ ngành, khiến doanh nghiệp (DN) vẫn gặp nhiều khó khăn.
Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Chưa được như kỳ vọng
Vẫn còn chậm trễ trong việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh

Còn chậm trễ và chưa đồng đều

 

Nghị quyết 01/2018 của Chính phủ yêu cầu đến 31/10/2018 các bộ, ngành cần phải cắt giảm, đơn giản hóa được 50% ĐKKD hiện hành. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết quý 2/2018 mới chỉ có 378/5.719 ĐKKD được cắt giảm, đơn giản hóa, chiếm 13% tổng số ĐKKD.

 

Theo thống kê cho thấy, bên cạnh một số bộ rất tích cực, quyết liệt trong việc cắt giảm các ĐKKD, xóa bỏ rào cản cho DN như: Bộ Công Thương đã có nghị định sửa đổi bổ sung ĐKKD; Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTTN đã trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung ĐKKD, thì tính đến hết quý 2/2018, vẫn còn nhiều bộ chậm trễ, thậm chí có Bộ còn chưa tiến hành rà soát. 

 

Cụ thể, có 8 Bộ đang xây dựng dự thảo nghị định là: Giao thông vận tải, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước; 2 Bộ đã rà soát nhưng chưa xây dựng dự thảo là: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ; riêng Bộ Công an đề nghị giữ nguyên các quy định hiện có. Bộ Thông tin và Truyền thông chưa thực hiện rà soát, đề xuất cắt giảm.

 

Như thế có thể thấy rằng, về mặt thời gian chắc chắn khó có thể đảm bảo đến 31/10/2018 Chính phủ có thể ban hành được tất cả các Nghị định về cắt giảm ĐKKD như kế hoạch. Bởi các Bộ còn phải dự thảo, lấy ý kiến, hoàn thiện rồi mới trình. Khả thi nhất có lẽ chỉ có hai nghị định do Bộ Xây dựng và Bộ NN&PTNT trình Chính phủ và sẽ được Chính phủ ban hành.

 

Lý do của sự chậm trễ

 

Theo ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), lý do lớn nhất có lẽ là các Bộ chưa sẵn sàng cho việc cắt giảm các ĐKKD, bởi việc cải cách này không xuất phát từ chính nhu cầu nội tại của các Bộ mà là sự chỉ đạo từ Chính phủ xuống. Do vậy, các Bộ không chuẩn bị được về nguồn lực, thời gian, cộng với khối lượng công việc rất lớn dẫn đến việc chậm trễ. Một lý do nữa là trước kia các Bộ chỉ có thói quen ban hành thêm điều kiện kinh doanh, nay lại phải làm ngược lại là chọn ra và cắt bỏ bớt đi các điều kiện không cần thiết, dẫn đến sự lúng túng trong việc thực hiện.

 

 

Bộ Công Thương là một trong những bộ tích cực và quyết liệt trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh. (Ảnh tuổi trẻ)

 

Có ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương có thể một lúc cắt 675 ĐKKD, vậy tại sao ở các Bộ khác lại khó đến thế? Phải chăng áp lực về quyền lực, chức vụ, lợi ích là một trong những thách thức khó vượt qua, khiến cho việc cải cách bị chậm trễ? Ông Hiếu cho rằng, đây chỉ là một phần của lý do. Còn một phần khác đáng quan ngại hơn đó chính là năng lực, tư duy xây dựng và hoạch định chính sách của nhiều Bộ còn rất yếu.

 

Theo nhận định của ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì trên thực tế, việc thực hiện chính sách sẽ có độ trễ nhất định, nhưng theo ông thì lý do nằm ở sự chủ động của các Bộ, ngành; điểm cản trở chính hiện nay nằm ở các vụ cục, chuyên viên... thực hiện cải cách. Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, việc cắt giảm các ĐKKD cũng chưa đi vào thực chất. Tại một số phương án cắt giảm thì một số chỉ điểu chỉnh một điểm nhỏ chứ không bãi bỏ hoàn toàn; tại một số phương án, các ĐKKD chỉ được chỉ sửa đổi câu chữ mà thôi.

 

Giải pháp nào để việc cắt giảm các ĐKKD được đẩy nhanh và đi vào thực chất?

 

Theo ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, giải pháp cho vấn đề này đó là Chính phủ cần kiên quyết xử lý kỷ luật nghiêm đối với những Bộ, ngành không hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn quy định, nhất là người đứng đầu đơn vị.

 

Đồng thời, cần có các cơ quan giám sát độc lập để thực hiện rà soát và giám sát việc cải cách. Cùng với đó là tăng cường vai trò giám sát, đánh giá của người dân, DN để thực hiện việc cải thiện môi trường kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất. 

 

Điểm quan trọng để cải cách đi vào thực chất chính là cách thức quản lý. Đặc biệt, cần phải tính toán chi phí lợi ích và hiệu quả khi đặt ra các rào cản, các ĐKKD. Về mặt dài hạn, cần kiểm soát chất lượng quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Thay đổi cơ chế khuyến khích đối với các cán bộ, nâng cao kiến thức kinh tế thị trường cho những người trực tiếp tham gia xây dựng, hoạch định chính sách. Cùng với đó là tăng cường ứng dụng công nghệ, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa DN với người giải quyết các thủ tục hành chính, qua đó sẽ giảm bớt được sự nhũng nhiễu.

 

Có thể nói, việc chậm trễ cắt giảm các ĐKKD vô lý không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động của DN, mà còn kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Chỉ còn vài tháng nữa là đến hạn các Bộ, ngành phải cắt giảm và đơn giản hóa 50% ĐKKD. Tuy nhiên, con số này không quá quan trọng, điều mà cộng đồng DN quan tâm đó là việc cắt giảm phải đi vào thực chất, tạo hành lang thông thoáng cho DN hoạt động. Có như vậy mới tạo động lực phát triển tích cực, bền vững cho DN, từ đó, mới có thể thúc đẩy nền kinh tế của đất nước phát triển mạnh mẽ./.

 

Minh Vũ

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang