Chè kho Đại Đồng là đặc sản làng nghề xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Tp. Hà Nội. Mới thoạt nghe, Chè kho Đại Đồng thì ai cũng lạ, cũng khó mường tượng ra đó là sản phẩm gì, được làm như thế nào, hương vị ra sao. Khi ăn rồi thì món Chè kho Đại Đồng như bám vào tâm vị, níu mãi không thôi. Nó sẽ khiến chúng ta phát thèm mỗi khi nghĩ tới bởi hương thơm thanh thảo của đỗ xanh. Bởi vị ngọt mềm của đỗ xanh quện với đường kính, thêm chén trà xanh nữa thì kể như được thưởng thú đủ mộc vị, sắc hương của miền hương lúa rồi.
Món Chè kho Đại Đồng mang tâm tình của người Đại Đồng nhiều lắm. Nó là món bánh mừng xuân, là quà mừng thọ, cưới hỏi. Người Đại Đồng hầu như gia đình nào cũng biết làm và biết bí quyết để làm Chè kho ngon. Ăn Chè kho mới thấy người Đại Đồng xưa cũng sành ăn và khéo tay, tinh tế. Chỉ với đỗ xanh và đường mà làm ra một thứ bánh ngon đượm vị. Chẳng thế mà trải qua hàng trăm năm, món bánh giản dị ấy vẫn được lưu giữ, truyền từ đời này sang đời khác.
Người Đại Đồng xưa làm Chè kho cầu kỳ, lắm công phu. Để làm ra được bánh Chè kho, phải trải qua nhiều công đoạn như: Ngâm đỗ, xiết đỗ, đồ đỗ, đổ khuân…., mất cả chục tiếng đồng hồ. Trong đó, khâu đồ đỗ vừa vất vả, tốn nhiều thời gian, nhân lực, vừa đòi hỏi người làm phải dẻo dai, khéo léo. Khi đồ, người làm bánh vừa giữ lửa vừa lấy đũa cả (là một loại đũa to, một đầu đũa được làm to, bạt ngang như mái chèo) quấy, đẩy đi, đẩy lại xuống tận đáy nồi cho đến khi đỗ quện mịn, vỗ tay không dính nữa là được. Quá trình đồ kéo dài khoảng vài ba tiếng với sự tham gia của nhiều người, tùy vào mẻ bánh. Trong quá trình đó, nếu không để ý lửa, tay quấy, đẩy không đều là bánh có thể cháy, khét…
Bà Vũ Thị Quý - Chủ cơ sở Chè kho Qúy Trụ, xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Tp. Hà Nội
Ngày nay, nhờ áp dụng máy móc nên việc làm Chè kho đơn giản hơn, tốn ít thời gian, nhân lực hơn. Trao đổi với phóng viên, bà Vũ Thị Quý - Chủ cơ sở sản xuất Chè Kho Quý Trụ cho biết: Gia đình bà đã đầu tư hàng trăm triệu đồng cho máy móc để sản xuất Chè kho. Nhờ áp dụng máy móc nên thời gian làm bánh đã bớt được hai phần ba, nhân lực cũng không cần nhiều như trước. Đặc biệt, nhờ áp dụng máy móc nên không sợ chè bị cháy, khét, hỏng. Chè kho cũng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hơn.
Nhờ áp dụng máy móc nên chất lượng, sản lượng sản phẩm tăng lên
Hiện nay, xã Đại Đồng có nhiều hộ thường xuyên làm Chè kho. Trong đó, không ít gia đình lấy nghề làm Chè kho là sinh kế. “Nghề làm chè kho là một nghề phải thức khuya, dậy sớm. Có vất vả, nhưng so với làm nông nghiệp thì cũng đỡ hơn. Hiện nay, đã có nhiều người, ở nhiều nơi biết tiếng Chè Kho Đại Đồng, nên sản xuất cũng nhiều hơn, thu nhập cũng tăng lên” - Bà Vũ Thị Quý cho biết thêm.
Những năm vừa qua, nghề làm Chè kho đã được chính quyền địa phương quan tâm, tạo đà phát triển. Chè kho Đại Đồng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Nhãn hiệu tập thể. Sản phẩm Chè kho của Hộ kinh doanh Vũ Thị Quý được UBND Thành phố Hà Nội cấp chứng nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Những chứng nhận này đã góp phần không nhỏ đưa Chè kho Đại Đồng từ một thức quà quê trở thành một sản phẩm thị trường, có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng mến mộ.
Sản phẩm đạt chứng nhận đạt OCOP 3 sao
Chị Nguyễn Thị Lan (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: Tôi vô tình biết đến món Chè kho Đại Đồng do một người bạn tặng. Món này thơm hương đậu xanh, mềm, vị ngọt thanh, rất ngon. Nếu để vào ngăn mát tủ lạnh thì ăn ngon hơn. Thỉnh thoảng, tôi cũng nhờ mua Chè kho để tặng gia đình hai bên và bạn bè. Họ rất thích.
Với dư vị thơm ngon, Chè kho Đại Đồng đã góp phần làm phong phú thêm tinh hoa ẩm thực Tràng An. Người xưa thường nói “món ngon nhớ lâu”, tin rằng Chè kho Đại Đồng sẽ còn làm xao xuyến nhiều thực khách gần xa.
NM