DN duy trì sản xuất trong rất nhiều khó khăn
Trong bối cảnh nhiều tỉnh thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, rất nhiều DN phải tạm ngưng hoạt động sản xuất do không đảm bảo được các điều kiện an toàn. Còn những DN còn duy trì được hoạt động sản xuất cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Theo ông Lưu Huỳnh - Trưởng phòng Tiếp thị (marketing) của Công ty Meizan CLV, công ty hiện có khoảng 100 công nhân đang tiếp tục sản xuất. Chi phí chỗ ở cho số công nhân này mỗi tháng khoảng 300 triệu đồng, cộng thêm chi phí xét nghiệm và các khoản khác đã khiến giá thành sản xuất của công ty tăng lên khá nhiều. Công ty nằm trong nhóm cung cấp thực phẩm thiết yếu nên phải duy trì sản xuất, trong bối cảnh hiện nay nhiều chi phí sản xuất tăng nhưng không thể tăng giá bán nên DN phải bù lỗ.
Đánh giá của Hiệp hội DN Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cũng cho thấy, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 cùng những biến cố trong ngành hàng hải, đã và đang tác động mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Hàng loạt vấn đề như biến động giá cước vận chuyển, thiếu hụt container rỗng, gián đoạn chuỗi cung ứng tạm thời đã và đang gây nên nhiều khó khăn cho DN trong ngành logistics. Ngoài ra, tình trạng thiếu container rỗng, thiếu chỗ trên tàu, giá cước tăng cao, kẹt cảng, số lượng tàu chờ, tàu trễ lịch đều xuất hiện ở các cảng lớn trên thế giới. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động các cảng nhất là khu vực phía Nam, dẫn đến tồn hàng tại các cảng.
Theo ông Nguyễn Phú Thịnh - Tổng giám đốc Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, để duy trì sản xuất các DN được phép hoạt động theo phương châm “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm”. Nhiều DN đã chủ động triển khai chặt chẽ, hiệu quả, tổ chức tốt từ khâu hậu cần như bố trí chỗ ăn, chỗ ngủ và ca làm việc để bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, xét nghiệm thường xuyên để phòng chống dịch, đảm bảo an toàn sản xuất. Nhiều chi phí phát sinh và điều mà các DN cần lúc này là được các ngành hỗ trợ để khơi thông hàng hóa sản xuất, tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, tâm lý lo lắng khi làm việc trong bối cảnh dịch bệnh khiến người lao động cũng không tập trung được toàn bộ vào công việc. Chính điều này dẫn đến năng suất lao động sụt giảm, quá trình giao hàng cũng chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động làm ăn lâu dài sau này.
DN cần thêm hỗ trợ
Trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh ngày càng phức tạp và quyết liệt như hiện nay cũng có rất nhiều DN phải tạm dừng hoạt động sản xuất để phòng chống dịch, khi quay trở lại sản xuất kinh doanh cũng rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ nhất là các chính sách tài chính, bảo hiểm cho người lao động...
Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Hepza), để hỗ trợ DN trong bối cảnh hiện nay, Hepza đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng có chính sách hỗ trợ vay vốn lưu động phục vụ sản xuất, bảo lãnh thanh toán các hợp đồng mua bán nguyên vật liệu với mức lãi suất 0% cho các DN khó khăn, chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, ân hạn tiền gốc (khoanh nợ) đối với các khoản đã vay và gia hạn thời hạn thanh toán lãi vay đối với các DN bị ảnh hưởng do Covid-19 (tạm ngưng hoạt động do có người lao động cách ly tại DN, giảm lao động...).
Ngoài ra, Hepza cũng kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh xem xét có chính sách hỗ trợ giảm giá tiền điện, tiền nước đối với các đối tượng là DN sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi Covid-19; gia hạn thời gian thanh toán tiền điện, tiền nước cho DN; không tính lãi chậm nộp và đảm bảo cung cấp đủ điện, nước cho DN sản xuất...
Theo bà Lê Bích Loan - Phó Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, trong bối cảnh thực tế hiện nay các DN cũng xoay sở bằng mọi cách để đảm bảo sản xuất và phòng chống dịch. Các DN cũng phải chấp nhận việc giảm quy mô, lợi nhuận. Trong rất nhiều khó khăn này, thành phố đã và sẽ dành mọi nguồn lực cho các DN trong các KCX- KCN, khu công nghệ cao bằng cách dành nguồn vaccine tiêm cho công nhân kịp thời, để các DN ổn định, duy trì sản xuất trong khả năng tốt nhất có thể.
Từ phía ngành Công Thương các tỉnh thành cũng đang kết hợp với các ngành chức năng thành lập tổ hỗ trợ DN xuất nhập khẩu, kịp thời nắm bắt khó khăn cấp bách của DN để có thể tháo gỡ ngay trong quyền hạn, hoặc kiến nghị với các cấp cao hơn nhằm tạo thuận lợi cho DN.
Có thể thấy, cộng đồng DN đã rất linh hoạt, xoay sở để thích ứng trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhất là trong bối cảnh hiện nay chấp nhận để thích nghi lâu dài dù dịch bệnh với nhiều biến chủng, có thể quay lại bất cứ lúc nào ở bất cứ đâu, DN cũng không còn hoảng hốt như những làn sóng dịch bệnh trước mà bình tĩnh ứng phó với nhiều giải pháp linh hoạt nhất.
Theo Congthuong.vn