Trợ cấp khó khăn đột xuất cho thân nhân chiến sĩ công an
Có hiệu lực từ 01/03/2016, Nghị định số 05/2016/NĐ-CP ngày 11/01/2016 quy định chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân.
Theo đó, thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ bị ốm đau từ 1 tháng trở lên hoặc điều trị 1 lần tại bệnh viện từ 7 ngày trở lên được trợ cấp 500.000 đồng/suất/lần. Gia đình hạ sĩ quan, chiến sĩ gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến nhà ở bị sập, trôi, cháy hoặc phải di dời chỗ ở được trợ cấp 3.000.000 đồng/suất/lần. Mỗi đối tượng trên chỉ được trợ cấp không quá 2 lần trong 1 năm. Ngoài ra, thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ từ trần, mất tích cũng được trợ cấp 2.000.000 đồng/suất.
Không được liên kết sản xuất chương trình thời sự - chính trị
Có hiệu lực từ 15/3/2016, Nghị định số 06/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18/01/2016 quy định chi tiết việc quản lý nội dung thông tin, chất lượng, giá, cung cấp và sử dụng phát thanh, truyền hình tại Việt Nam; hoạt động thu xem kênh chương trình truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh tại Việt Nam.
Theo Nghị định, trong liên kết sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình, không thực hiện hoạt động liên kết sản xuất chương trình đối với các chương trình phát thanh, truyền hình thời sự - chính trị.
Điều kiện cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam
Nghị định 07/2016/NĐ-CP ngày 25/1/2016 quy định chi tiết Luật Thương mại về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực từ 10/3/2016.
Nghị định quy định cụ thể về quyền thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; nghĩa vụ của thương nhân nước ngoài đối với hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh; thẩm quyền cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện; quy định về việc cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, giấy phép thành lập chi nhánh; hoạt động, quyền và nghĩa vụ của Văn phòng đại diện, Chi nhánh; chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện, Chi nhánh; quản lý Nhà nước đối với hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh.
Quy định mới về số lượng Phó Chủ tịch UBND
Có hiệu lực từ 10/3/2016, Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
Theo đó, đối với đơn vị hành chính ở nông thôn, tỉnh loại I có không quá 4 Phó Chủ tịch UBND; tỉnh loại II, loại III có không quá 03 Phó Chủ tịch UBND. Huyện loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch UBND; huyện loại II, loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND. Xã loại I có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND, xã loại II, loại III có 01 Phó Chủ tịch UBND.
Đối với đơn vị hành chính ở đô thị, Nghị định quy định thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có không quá 05 Phó Chủ tịch UBND; thành phố trực thuộc trung ương còn lại có không quá 04 Phó Chủ tịch UBND.
Quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch UBND; quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại II, loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND.
Phường, thị trấn loại I có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND; phường, thị trấn loại II, loại III có 01 Phó Chủ tịch UBND.
Cơ chế hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai
Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg ngày 19/1/2016 về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai có hiệu lực từ 05/3/2016. Quyết định quy định cụ thể về căn cứ hỗ trợ; quy trình hỗ trợ; nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ kinh phí; hỗ trợ thiệt hại do nắng nóng, hạn hán.
Điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm
Quyết định số 02/2015/QĐ-TTg ngày 28/1/2016 quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm có hiệu lực từ 15/3/2016.
Quyết định gồm 9 điều, quy định về điều kiện công bố dịch bệnh truyền nhiễm; trình tự công bố dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, nhóm B, nhóm C; điều kiện, trình tự công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.
Quy định mới về tốc độ xe khi tham gia giao thông
Theo Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/3/2016, xe cơ giới, trừ xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) trong khu vực đông dân cư trên đường đôi (có dải phân cách giữa); đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên tốc độ tối đa là 60 km/h. Tại đường 2 chiều không có dải phân cách giữa, đường một chiều có 1 làn xe cơ giới tốc độ tối đa là 50 km/h.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ