Hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở ba phân ngành chính, gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; Ô tô và phụ tùng ô tô. Hiện tại, DN sản xuất linh kiện ngành Cơ khí trong nước có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: Khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật... Thêm vào đó, nhu cầu của thị trường CNHT rất lớn nên nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, phục vụ DN đầu tư trực tiếp nước ngoài, hướng vào xuất khẩu sản phẩm cơ khí.
Bởi vậy, linh kiện kim loại sản xuất trong nước đã đáp ứng được 85-90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15-40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô (tùy chủng loại xe), khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ và 40-60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng. Cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.
Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thời gian qua, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn vừa là thách thức nhưng cũng lại mở ra cơ hội cho các DN cơ khí trong nước tăng thị phần nội địa. Hiện nay, các DN cơ khí trong nước cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ô tô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85- 95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Một số DN điển hình trong lĩnh vực ô tô như: Vinfast, Thành Công, Thaco…
Tuy nhiên, sản phẩm CNHT ngành Cơ khí cung cấp chủ yếu là các loại chi tiết, linh kiện, cụm linh kiện kim loại cho các ngành hạ nguồn. Việt Nam hiện có trên 500 DN sản xuất các loại linh kiện kim loại cung ứng cho các ngành hạ nguồn, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số hơn 7.000 DN cơ khí của cả nước. Chất lượng sản phẩm CNHT ngành Cơ khí của một số DN trong nước hiện vẫn còn thấp, giá thành sản xuất lại cao nên thiếu sức cạnh tranh. Ngoài ra, còn thiếu nhiều DN cơ khí lớn, mang tầm quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt.
Công nghiệp sản xuất linh kiện kim loại cho ngành xe máy được đánh giá là tương đối phát triển với năng lực cung ứng đạt mức cao. Do dung lượng thị trường lớn, các doanh nghiệp lắp ráp FDI tại Việt Nam đã kêu gọi được nhiều nhà cung ứng FDI đầu tư theo và xây dựng được quan hệ hợp tác với các nhà cung ứng trong nước. Tương tự ngành xe máy, công nghiệp sản xuất linh kiện kim loại cho máy móc nông nghiệp, máy động lực và máy xây dựng tương đối phát triển ở Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa khá cao.
Dù vây, công nghiệp sản xuất linh kiện cơ khí cho ngành ô tô, thiết bị đồng bộ và công nghiệp công nghệ cao hiện còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường của các sản phẩm này là các ngành hạ nguồn nêu trên chưa phát triển đủ mạnh để tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển CNHT. Theo tính toán của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản, khả năng cung ứng vật liệu linh kiện của Việt Nam so với các nước trong khu vực chỉ chiếm 39,6%. Trong khi đó, khả năng cung ứng của Trung Quốc chiếm 59,5%; Malaysia chiếm 49,3%; Indonesia chiếm 44,8% và Thái Lan chiếm 41,7%.
Trong những năm qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của 2 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam để hỗ trợ DN cơ khí, CNHT đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh, nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất linh kiện cơ khí phát triển, Nhà nước cần có chính sách mạnh mẽ khuyến khích phát triển sản xuất các loại vật liệu chế tạo; đồng thời lựa chọn phát triển có trọng điểm các ngành hạ nguồn đi kèm với khuyến khích phát triển CNHT cho những lĩnh vực đó.
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho CNHT có điều kiện phát triển. Điều này sẽ thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam.
Nhuận Chí