Nhiều sản phẩm OCOP Hà Giang có đầu ra ổn định
Nằm ở cực Bắc của Việt Nam, Hà Giang là tỉnh có nhiều tiểu vùng khí hậu, có điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm thế mạnh như: cam sành, chè Shan tuyết, mật ong bạc hà, gạo Già Dui, dược liệu… Trước đây, khi chưa có Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), những sản phẩm này chưa được các địa phương chú trọng, sản xuất nhỏ lẻ, chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn mác và thị trường tiêu thụ.
Để nâng cao giá trị và tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP Hà Giang, năm 218, Chương trình OCOP đã được triển khai. Khi Chương trình được thực hiện, nhiều sản phẩm của các hợp tác xã đã được nghiên cứu sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và mở rộng thị trường, trong đó có một sản phẩm được tỉnh cấp chứng nhận OCOP đạt 4 sao.
Đến nay, sau hơn 5 năm triển khai, từ năm từ tháng 3/2018 đến nay, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Giang đã phân hạng được 278 sản phẩm, trong đó có 231 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 45 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh; đặc biệt có 02 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp Quốc gia là Trà xanh hộp 100 gam và Hồng trà hộp 100 gam của HTX chế biến chè Phìn Hồ huyện Hoàng Su Phì.
Nhìn chung, các sản phẩm OCOP của Hà Giang đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo hiệu quả và bền vững tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP đã khai thác được tiềm năng và lợi thế của các vùng miền trong tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chị Lý Mùi Mương, Giám đốc HTX chè Phìn Hồ cho biết, những ngày đầu mới thành lập, HTX chủ yếu thu mua chè búp tươi của các hộ thành viên, chế biến thành chè xanh theo phương pháp truyền thống để bán. Nguồn nguyên liệu đầu vào gói gọn trong khoảng 30ha chè của các gia đình thành viên nên sản lượng ít, bao bì, nhãn mác thô sơ, bộ máy quản lý còn thiếu kinh nghiệm. Do đó, trong 3 năm đầu thành lập từ năm 2008 - 2010, doanh thu của HTX chỉ đạt khoảng 500 triệu đồng/năm.
từ khi triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, HTX đã tích cực tham gia, lựa chọn sản phẩm tốt nhất và có tiềm năng lớn nhất để xây dựng hồ sơ sản phẩm OCOP. Với vùng nguyên liệu sạch, đạt tiêu chuẩn hữu cơ, hình ảnh bao bì và tên thương hiệu sản phẩm xuất phát từ thực tế đời sống của các xã viên ở bản Phìn Hồ cùng quy trình sản xuất, chế biến đảm bảo tiêu chuẩn nên hiện nay, HTX đã có 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 2 sản phẩm đạt OCOP 5 sao quốc gia. Sau khi được công nhận, HTX tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, mẫu mã, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, đảm bảo phát triển bền vững thương hiệu Fìn Hò trà.
“Tham gia chương trình OCOP đã giúp các sản phẩm của HTX được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến hơn, góp phần tăng giá trị sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Từ đầu năm 2021 đến nay, HTX đã nhận được tín hiệu thị trường khá tốt khi có nhiều đơn vị ký kết đơn hàng về chè hữu cơ cao cấp” - chị Lý Mùi Mương chia sẻ.
Ở thị trường trong nước, từ năm 2019, sản phẩm trà Phìn Hồ đã xuất hiện tại hệ thống siêu thị Winmart và hệ thống cửa hàng Sài Gòn Co.opmart. HTX hiện có 6 nhà phân phối với hàng trăm điểm bán hàng trong cả nước và 2 đơn vị xuất khẩu. Hiện nay, các sản phẩm chè của HTX Chế biến chè Phìn Hồ đã xuất khẩu sang một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan, Nga, Đức… nhận được sự đánh giá cao của người tiêu dùng.
Phát triển mạnh các sản phẩm OCOP
Nhằm triển khai, thực hiện Đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh một cách đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở theo đúng chu trình hàng năm, vừa qua, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình OCOP năm 2023.
Cụ thể, năm 2023 phấn đấu phát triển mới từ 50 sản phẩm (bình quân 4-5 sản phẩm/huyện, thành phố) đạt từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm đăng ký tham gia chương trình phải đáp ứng các yêu cầu: Sản phẩm có tính chủ lực, tính đặc trưng ở địa phương, xây dựng được vùng nguyên liệu để mở rộng sản xuất, tham gia hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị nhằm tạo sự đột phá trong sản xuất nông sản hàng hóa tại địa phương; việc phát triển sản phẩm sẽ làm tăng khả năng giải quyết việc làm cho lao động, tăng thu nhập cho người dân; sản phẩm phải đảm bảo chất lượng sau khi được công nhận hạng sao OCOP, có sức cạnh tranh trên thị trường, có triển vọng xuất khẩu; ưu tiên các sản phẩm được sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ mới, các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến như Global GAP, Organic, GMP, HACCP, ISO...
Cùng với đó, các ngành, địa phương tiếp tục tập trung duy trì, nâng cao chất lượng cho 201 sản phẩm đã được chứng nhận đạt sao OCOP giai đoạn 2020 – 2022; rà soát, nâng hạng, cấp lại giấy chứng nhận OCOP cho các sản phẩm đã được công nhận trong năm 2020. Bên cạnh đó, làm tốt công tác xúc tiến thương mại, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm, quản lý chặt chẽ sản phẩm đã được chứng nhận đạt sao.
Theo MOIT