Tham dự Hội nghị, về phía Bộ Công Thương có các ông: Nguyễn Thế Hữu – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực; Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững. Về phía UBND tỉnh Thanh Hóa có ông Mai Xuân Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Về phía ngành Điện có các ông: Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám Đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn; Nguyễn Đức Thiện - Tổng Giám đốc EVNNPC… Ngoài ra, tại điểm cầu của 26 Công ty Điện lực trực thuộc EVNNPC còn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các tỉnh, cùng các sở ngành địa phương và hơn 4.000 doanh nghiệp, khách hàng.
Chương trình tiết kiệm điện và DR đạt được nhiều kết quả ấn tượng
Năm 2023 vừa qua, mặc dù phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng với sự chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong quản lý điều hành, kết hợp với sự đồng lòng của toàn thể CBCNV nên EVNNPC đã phát huy tốt vai trò chủ đạo của một ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo cung cấp điện an toàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Theo đó, tổng sản lượng điện thương phẩm của toàn Tổng công ty đạt trên 90,3 tỷ kWh, tăng 4,5% so với năm 2022 và là đơn vị có sản lượng điện thương phẩm lớn nhất trong 05 Tổng công ty phân phối của EVN.
Bên cạnh việc hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, cũng trong năm qua, EVNNPC đã tiên phong trong việc triển khai các chương trình sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả và đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Trong đó, sản lượng điện tiết kiệm được của toàn Tổng công ty đạt trên 1.822,08 triệu kWh, đạt 2,8% so với tổng sản lượng điện thương phẩm. Bên cạnh đó, toàn Tổng công ty cũng đã ký kết biên bản thỏa thuận tham gia Chương trình Điều chỉnh phụ tải (DR) với 3.906 khách hàng sử dụng điện từ 01 triệu kWh/trở lên, đạt tỷ lệ 97,82%. Đặc biệt, trong cao điểm mùa nắng nóng tháng 5, tháng 6/2023, đã có 19.113 lượt khách hàng tham gia DR với tổng công suất tiết giảm được 6.254 MW và tổng sản lượng tiết giảm là 49.689 MWh. Trong đó, nhiều khách hàng lớn đã rất tích cực tham gia DR phải kể đến, như: Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên, Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Hải Phòng), Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam (Thái Bình), Công ty Xi măng Long Sơn (Thanh Hóa),…
Toàn cảnh Hội nghị
Ông Phan Tuấn Anh – Giám đốc Nhà máy luyện cán thép Hòa Phát (Hưng Yên) cho biết: “Trong thời gian qua, chúng tôi đã rất tích cực tham gia chương trình DR do EVNNPC và Công ty Điện lực Hưng Yên triển khai. Cụ thể, trong giai đoạn năm 2019 đến năm 2023, chúng tôi đã phối hợp với ngành Điện thực hiện các sự kiện DR có kế hoạch với mức tiết giảm công suất là 25 MW. Đặc biệt, chỉ tính riêng năm 2023 vừa qua, Công ty đã thực hiện sa thải vận tải trong những thời điểm cao điểm mùa hè khi lưới điện thiếu nguồn và công suất tiết giảm được là 63 MW”.
Phụ tải tăng cao đang gây áp lực cho ngành Điện miền Bắc
Theo báo cáo của EVNNPC cho biết, trong năm 2024, dự báo sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn 27 tỉnh, thành khu vực phía Bắc sẽ tiếp tục tăng cao. Do vậy, để đáp ứng cho sự tăng trưởng này đòi hỏi hệ thống điện cần phải có thêm sự bổ sung về nguồn điện. Tuy nhiên hiện nay, nguồn cung ứng điện mới cho miền Bắc gần như không có. Trong khi đó, năng lực truyền tải điện cung đoạn Nam – Bắc đã đạt đến ngưỡng giới hạn; Một số dự án nâng cao năng lực truyền tải cung cấp điện cho miền Bắc đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ vì nhiều lý do khác nhau; Cộng với các yếu tố tác động đến giá thành sản xuất điện và nhiều yếu tố nội tại khác… đang là những thách thức lớn trong công tác đảm bảo vận hành, cung ứng điện, nhất là khi mùa nắng nóng tại miền Bắc đang đến rất gần. Do vậy, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả vừa là một giải pháp, vừa là nhiệm vụ cấp bách quan trọng hiện nay.
Ông Phan Tử Lượng – Phó Tổng giám đốc EVNNPC phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Tử Lượng – Phó Tổng giám đốc EVNNPC cho biết: “Hệ thống điện miền Bắc có nguy cơ thiếu hụt công suất đỉnh vào các khung giờ cao điểm, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng gay gắt từ tháng 4 đến tháng 8/2024. Tổng công ty mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác của khách hàng trong việc cùng chung tay tiết kiệm điện, điều chỉnh thời gian sản xuất, đặc biệt là trong các khung giờ cao điểm để EVNNPC vận hành hệ thống điện ổn định, an toàn”.
Theo các chuyên gia khí tượng dự báo, năm 2024, nắng nóng trong các tháng mùa hè tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có xu hướng xuất hiện sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Nắng nóng tập trung từ nửa cuối tháng 4 đến tháng 8. Số ngày nắng nóng có thể nhiều và gay gắt hơn, với nhiệt độ trung bình cao hơn trung bình nhiều năm. Cùng với đó, lượng mưa có thể sẽ ít hơn so với những năm trước. Điều này gây nên nhiều khó khăn trong việc đáp ứng phụ tải đỉnh...
Ông Nguyễn Quốc Trung - Phó giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia thông tin về tình hình cung ứng điện năm 2024
Ông Nguyễn Quốc Trung - Phó giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia cho hay: Nhu cầu phụ tải điện được dự báo sẽ tăng rất cao, cả ở nhu cầu người dân và sản xuất công nghiệp tại các nhà máy. Theo dự báo, công suất phụ tải đỉnh (Pmax) có thể tăng lên ngưỡng 27.000 MW vào cao điểm tháng 6 và tháng 7. Do vậy, để vận hành an toàn hệ thống lưới điện trong mùa nắng nóng, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được xem là giải pháp cấp bách.
Cần có cơ chế, chế tài thúc đẩy tiết kiệm điện
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Thiện - Tổng giám đốc EVNNPC cho biết, hiện nay, chưa có cơ chế khuyến khích đối với doanh nghiệp và người dân khi tham gia các chương trình tiết kiệm điện, cũng như chưa có chế tài đối với các khách hàng sử dụng điện không chấp hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Vì vậy, Tổng công ty kiến nghị bộ ngành liên quan ban hành các tiêu chuẩn, quy định cụ thể trong việc xét duyệt và chấp thuận chủ trương đầu tư với các dự án tại các tỉnh, thành trên tinh thần khuyến khích các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; Xây dựng chỉ tiêu đánh giá việc thực hiện tiết kiệm điện với các công sở, các đơn vị hành chính sự nghiệp, cơ sở chiếu sáng công cộng, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm tại các địa phương và có chế tài cụ thể.
Tổng giám đốc EVNNPC Nguyễn Đức Thiện gửi lời cảm ơn tới các khách hàng của Tổng công ty đã đồng hành, chia sẻ với ngành Điện cùng vượt qua khó khăn trong thời gian qua
Theo EVNNPC, song hành cùng các giải pháp quản lý kỹ thuật, đầu tư xây dựng… Tổng công ty xác định, triển khai hiệu quả Chương trình quản lý nhu cầu điện là giải pháp đặc biệt quan trọng, góp phần đảm bảo điện trong mùa nắng nóng 2024. Do vậy, EVNNPC đã đưa ra hàng loạt giải pháp như: Đặt mục tiêu tiết kiệm tối thiểu 02% điện thương phẩm năm 2024; Điều chỉnh phụ tải, dịch chuyển giờ và tiết giảm công suất đạt 1.600 MW, đồng thời huy động nguồn dự phòng của khách hàng qua máy phát diesel, hệ thống điện mặt trời mái nhà khoảng 800 MW. Để đạt được mục tiêu trên, EVNNPC và các đơn vị thành viên sẽ tăng cường kiểm tra, cũng như đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xử lý kịp thời các khách hàng không thực hiện tiết kiệm điện.
Cùng với đó, Tổng công ty cũng sẽ tăng cường làm việc trực tiếp với các khách hàng lớn để thống nhất kế hoạch DR và dịch chuyển giờ sản xuất; Khuyến khích tất cả các khách hàng sản xuất có mức tiêu thụ điện từ 01 triệu kWh/năm trở lên hạn chế sử dụng công suất lớn vào các khung giờ cao điểm mùa nắng nóng (12h - 15h và 21h - 24h) và ký Phụ lục hợp đồng mua bán điện về việc dịch chuyển giờ sản xuất và tiết giảm công suất khi hệ thống khó khăn về nguồn. “EVNNPC kiến nghị vận động các khách hàng có máy phát diesel và khách hàng lắp đặt điện mặt trời hỗ trợ ngành Điện trong những lúc khó khăn về nguồn. Song song với đó, Tổng công ty cũng sẽ tiếp tục đổi mới các hình thức tuyên truyền tiết kiệm điện phù hợp với từng đối tượng khách hàng, triển khai các chương trình hỗ trợ khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả“, ông Nguyễn Đức Thiện cho biết thêm.
Tuấn Anh