Nhưng cũng chính tại thời điểm ấy, sự hỗ trợ quý giá từ hoạt động khuyến công do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên (Trung tâm) đem đến đã như một luồng sinh khí mới tiếp thêm nguồn lực giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn vượt qua khó khăn.
Dịch Covid-19 đã được kiểm soát, Công ty Cổ phần Khoa học Sự sống (xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên) rất muốn đầu tư thêm hệ thống máy sấy thăng hoa WHFD-20 để sản xuất ra các sản phẩm đông trùng hạ thảo đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, sau hơn hai năm chống chọi với dịch bệnh, doanh thu sụt giảm, nguồn tài chính cạn kiệt mà số vốn đầu tư ban đầu lên tới 680 triệu đồng nên Công ty chưa biết xoay vốn từ đâu. May mắn, thông qua chương trình khuyến công, Công ty Cổ phần Khoa học Sự sống đã được Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên hỗ trợ 280 triệu đồng để thực hiện mua sắm máy móc mới.
Đánh giá về tính hiệu quả của hệ thống máy móc mới, bà Ma Thị Trang – Giám đốc Công ty Cổ phần Khoa học Sự sống cho biết: Hệ thống máy sấy thăng hoa do Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên hỗ trợ được Công ty chúng tôi sử dụng sấy khô những sản phẩm dễ bị biến dạng nhất, cũng như những sản phẩm có giá trị cao khó giữ được hình dạng nếu như sấy bằng phương pháp thông thường. Công nghệ sấy thăng hoa giúp sản phẩm đông trùng hạ thảo của doanh nghiệp giữ nguyên được thành phần dinh dưỡng (protein, lipit, gluxit), vitamin, enzyme và hoạt chất sinh học, màu sắc, mùi, vị. Đồng thời, giữ nguyên được cấu trúc vật lý, hóa học; Sản phẩm sấy có độ xốp, không bị xẹp như các phương pháp sấy khác; Độ ẩm sau khi sấy rất thấp (từ 1- 5%) nên sản phẩm được bảo quản lâu hơn. Đặc biệt, do chất lượng sản phẩm được nâng cao nên doanh số bán ra thị trường của Công ty đã tăng trưởng rõ rệt.
Cũng từ nguồn vốn khuyến công, đến nay, nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có thể “sống khỏe” nhờ gia tăng năng lực sản xuất phục vụ thị trường. Ông Đỗ Văn Cương – Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản Thái Nguyên (xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên) cho biết: Làn sóng Covid-19 ập đến đã khiến cho tình hình tài chính của Công ty phải trải qua một phen lao đao. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2022 này, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã hỗ trợ doanh nghiệp chúng tôi hơn 290 triệu đồng để đầu tư mới hệ thống máy đóng gói túi lọc tam giác trong sản xuất trà nên Công ty đang phục hồi tốt sau dịch bệnh. Trong quá trình sản xuất, máy đóng gói túi lọc tam giác đã khắc phục được nhược điểm của máy đóng gói trà bán tự động trước đây. Đồng thời, máy có tích hợp chế độ đóng gói – kẹp chỉ - kẹp tem, vừa giúp thẩm mỹ lại nhanh chóng, chuyên nghiệp. Thiết bị này được cài đặt hệ thống điều khiển điện tử thông minh, vận hành dựa trên cài đặt sẵn có và chỉ cần một công nhân đứng máy. Qua đó, giúp tiết kiệm được nhân lực, chi phí thuê nhân công. Ngoài ra, với công nghệ tiên tiến là mắt soi điện tử chính xác, tự động định lượng khối lượng chè, số gam chè cần đóng đã tránh được sai số, lãng phí nguyên liệu đầu vào. Đặc biệt, máy đóng gói trà được vận hành hoàn toàn tự động, quá trình đóng gói không bị can thiệp bởi tác động bên ngoài nên sản phẩm chè tuyệt đối an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, sản phẩm trà của chúng tôi đang được khách hàng ưa chuộng và tin dùng”.
Công nhân Công ty Cổ phần Nông sản Thái Nguyên vận hành máy đóng gói sản phẩm trà túi lọc
Sự phục hồi trong sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần Khoa học Sự sống và Công ty Cổ phần Nông sản Thái Nguyên chỉ là hai minh chứng điển hình trong rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sau đại dịch nhờ sự hỗ trợ từ hoạt động khuyến công.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Đình Hùng – Giám đốc Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đánh giá: Thời gian qua, chính sách khuyến công đã và đang được Trung tâm triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc. Hoạt động khuyến công đã huy động được các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư mở rộng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn. Đồng thời, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chỉ tính riêng trong năm 2022 này, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã và đang tổ chức thực hiện 22 đề án khuyến công với tổng nguồn vốn hỗ trợ đạt 5,951 tỷ đồng. Thông qua các hoạt động hỗ trợ này, các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch, đồng thời đạt và vượt mục tiêu đề án đề ra; Giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho lao động tại địa phương, cũng như góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chính từ những hiệu quả thực tế sau khi triển khai các đề án, hy vọng rằng, trong thời gian tới, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Thái Nguyên, Cục Công Thương địa phương và Sở Công Thương Thái Nguyên sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa về nguồn vốn để Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên tiếp tục xây dựng những đề án mới nhằm hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị sản xuất công công nghiệp trên địa bàn tỉnh trang bị thêm máy móc hiện đại vào trong quá trình sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Từ đó, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người lao động; Góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị và phát triển kinh tế địa phương.
Lê Tuấn