Thứ Năm, 21/11/2024 20:16:01 GMT+7
Lượt xem: 1194

Tin đăng lúc 24-09-2024

Cơ hội tiến vào chuỗi cung ứng hàng không quốc tế của doanh nghiệp Việt

Một số doanh nghiệp (DN) Việt Nam nắm trong tay cơ hội sản xuất linh kiện cho các nhà cung cấp lớp dưới của tập đoàn hàng không lớn, tiến sâu và chuỗi cung ứng hàng không thông qua thị trường ngách. Song mọi chuyện không hề đơn giản chút nào.
Cơ hội tiến vào chuỗi cung ứng hàng không quốc tế của doanh nghiệp Việt
Các DN kết nối, trao đổi thông tin về cung ứng sản phẩm công nghiệp hàng không

Nguồn tin từ TTXVN cho hay, hôm 22/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có buổi tiếp ông Brendan Nelson, Chủ tịch Boeing Toàn cầu nhân dịp tham dự các hoạt động của Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khoá 79 và làm việc tại Mỹ. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam mong muốn Boeing sớm nghiên cứu, triển khai đầu tư các nhà máy sản xuất linh kiện, xây dựng trung tâm bảo dưỡng thiết bị, máy móc máy bay quy mô khu vực gắn với các cảng hàng không lớn của Việt Nam. Đồng thời, tăng cường hợp tác, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ, đưa các đối tác Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của Boeing. Ông Brendan Nelson đã cam kết Boeing thời gian tới sẽ hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái hàng không tại Việt Nam, trong đó chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không, đào tạo nhân lực, xây dựng sân bay, cơ sở sửa chữa và bảo trì máy bay.

 

Ở thời điểm hiện tại, Boeing đang có 7 nhà cung cấp đặt cơ sở tại Việt Nam, nhưng hầu hết đều là các nhà cung cấp của Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, chỉ duy nhất một công ty của Việt Nam. Như vậy, có thể thấy, cơ hội khai thác tiềm năng tăng trưởng và lợi thế của Việt Nam trong phát triển chuỗi chế tạo cung ứng hàng không là rất lớn. Tuy nhiên, để trở thành một nhà sản xuất, tham gia vào chuỗi cung ứng và cung cấp các sản phẩm cho “gã khổng lồ” hàng không của Mỹ như là Boeing, các nhà cung cấp của Việt Nam sẽ phải đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí, chất lượng sản phẩm cũng như thời hạn giao hàng. Đây là một thực tế rất khắc nghiệt chứ không chỉ là câu chuyện suông.

 

Cũng phải thừa nhận rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế trong phát triển chuỗi cung ứng hàng không: Là một quốc gia có tiềm năng lớn với lực lượng lao động có tay nghề cao và năng động, ngành công nghiệp sản xuất sôi động và triển vọng tăng trưởng tốt. Các DN hàng đầu thế giới như Airbus, Boeing, Safran hay Thales… nhìn thấy nhiều cơ hội khai thác tiềm năng của Việt Nam để trở thành một phần của chuỗi cung ứng sản xuất, bảo trì hay đào tạo trong ngành hàng không vũ trụ. Theo đó, không chỉ là những DN trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cơ khí hay vận tải, các DN thực phẩm hay dược phẩm… cũng có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng của ngành hàng không.

 

Với nhu cầu đi lại ngày càng tăng, Airbus dự tính sẽ có 39.500 máy bay mới được sản xuất cho tới năm 2045, trong đó 80% trong số này là máy bay một lối đi, còn lại là máy bay thân rộng. Do vậy, Airbus có kế hoạch mở rộng chuỗi cung ứng, tìm kiếm đối tác cho các kế hoạch trong tương lai. Theo ông Thomas Cochelin, Giám đốc vật tư khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Airbus, hãng đang có hơn 15.000 nhà cung ứng trên khắp toàn cầu cho hơn 1,7 triệu linh kiện. Cùng với Thái Lan, Malaysia, Singapore hay Indonesia… Việt Nam cũng đã gia nhập chuỗi cung ứng của Airbus, tuy nhiên số lượng còn ít ỏi.

 

 

Lãnh đạo Airbus Việt Nam và lãnh đạo, công nhân Công ty MHI Việt Nam trong buổi lễ bàn giao cửa thoát hiểm máy bay

 

Bà Hoàng Tri Mai, Tổng Giám đốc Airbus tại Việt Nam cho biết, các quan hệ đối tác hiện có của Airbus trong lĩnh vực sản xuất linh kiện máy bay bao gồm Artus (Meggitt) Việt Nam tại TPHCM cung cấp thiết bị cơ điện cho dòng máy bay A320, máy bay thân rộng A330 và A350. Ngoài ra còn có Nikkiso Việt Nam tại Hà Nội sản xuất các cấu trúc bằng composite cho máy bay A320 Sharklet và các linh kiện cho máy bay A330neo và A350. Bà Mai chia sẻ: “Airbus cũng đang làm việc chặt chẽ với các công ty trong nước cho các đơn hàng mới liên quan đến sản xuất linh kiện phụ tùng máy bay, nhằm đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ chuỗi cung ứng. Chúng tôi mong muốn tăng cường quan hệ đối tác với các tổ chức liên quan trong nước nhằm tiếp tục mở rộng chuỗi cung ứng mới”.

 

Ông Thomas Cochelin cho biết, Airbus đang tìm kiếm những DN có quản trị tốt, khả năng cạnh tranh cao và tích cực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để đảm bảo chất lượng và an toàn cho mỗi sản phẩm. Rõ ràng, tham gia các khóa đào tạo của Airbus, các DN Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN hàng không.

 

Gần đây, chuỗi cung ứng hàng không của Việt Nam vừa có một bước tiến đột phá với dự án sản xuất cửa thoát hiểm trên cánh cho A321neo, vốn là dòng máy bay thân hẹp bán chạy nhất thế giới. Các cửa thoát hiểm này đang được Công ty MHI Việt Nam - công ty con của Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi (MHI) Nhật Bản, sản xuất tại Hà Nội. Những sản phẩm đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam sẽ sớm được bàn giao và chuyển đến các nhà máy của Airbus tại Đức để lắp ráp lên thân máy bay. Nhà máy MHI Việt Nam sử dụng phần mềm Quản lý vòng đời sản phẩm (PLM) 3D mới nhất trong sản xuất cửa thoát hiểm máy bay, được làm từ thép chống ăn mòn, titan và nhôm. Phần mềm này giúp tinh gọn hóa quy trình sản xuất bằng cách loại bỏ các chuyển đổi thiết kế 2D truyền thống, tối ưu hóa toàn bộ quy trình sản xuất.

 

Để tận dụng được cơ hội phát triển, các chuyên gia cho rằng, các DN Việt Nam phải tăng cường kết nối với các DN như Airbus, Boeing… hay những DN cung ứng cấp 1, cấp 2 để từng bước nâng cao năng lực, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo ông Dương Nguyên Thành, Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Công nghiệp HAAST Việt Nam, dù hiện tại các cơ sở sản xuất của Việt Nam vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu tập trung để tạo thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho hàng không, song cơ hội để đi cùng “người khổng lồ” sẽ giúp DN nắm bắt được yêu cầu của của khách hàng và thị trường cũng như nâng cao năng lực kỹ thuật.

 

“DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng ngành hàng không muộn hơn so với một số nước nhưng Việt Nam đang trở thành điểm đến của nhiều DN hàng đầu thế giới. Vì thế, đây là cơ hội rất lớn cho DN Việt Nam. Nếu chúng ta quyết tâm, tìm ra được cách thức thì DN Việt Nam có thể tham gia chuỗi cung ứng của các DN lớn”, ông Thành cho hay.

 

Ngoại trừ một số DN trong lĩnh vực IT có cơ hội trở thành nhà cung ứng cấp 2 trong một số module của Airbus ở thời điểm hiện tại, các DN Việt Nam đa phần chỉ có thể trở thành nhà cung ứng cấp 3 cho Airbus hay Boeing, nghĩa là cung cấp các linh kiện đơn lẻ hay các cụm linh kiện đơn giản, không đòi hỏi phức tạp ở máy bay.

 

So sánh với các đối thủ cạnh tranh, Việt Nam có một số điểm kém hơn trong vận hành, gia công linh kiện hoàn toàn bằng máy. Dù vậy, lợi thế của DN Việt Nam nằm ở những công đoạn sản xuất sản phẩm cần sự kết hợp giữa máy móc và kỹ năng tay nghề của công nhân, kỹ sư. Minh chứng là Việt Nam xuất khẩu rất tốt cụm dây điện ra thị trường toàn cầu và sang Hoa Kỳ bởi sản phẩm này là sự kết hợp giữa máy móc và kỹ năng tay nghề của con người.

 

Để sản xuất một chiếc máy bay cần tới hơn 6 triệu linh kiện, vậy nên cơ hội cho các nhà cung ứng Việt Nam là rất lớn. Song để tận dụng được cơ hội vàng đó, các DN cần phải không ngừng cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và quản lý chất lượng để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của ngành hàng không. Bên cạnh đó, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng để DN thành công trong chuỗi cung ứng hàng không. Các DN cần phải xây dựng các chương trình đào tạo bài bản, thu hút và giữ chân nhân tài.

 

Có thể nói, chuỗi cung ứng hàng không quốc tế mang lại nhiều cơ hội chưa từng có cho các DN Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội này, DN cần phải vượt qua những thách thức và chuẩn bị kỹ lưỡng. Với sự nỗ lực và đầu tư đúng hướng, tin rằng các DN Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng không toàn cầu.

 

Phương Thảo


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang