Sang thu, những cây cọ đơm hoa, kết trái. Đến cuối tháng 10 âm lịch, quả cọ chín, vỏ quả chuyển dần sang màu nâu bóng, màu đen, cũng là thời điểm người dân quê cọ đi thu hoạch quả về để chế biến thành những món ngon đặc biệt.
Rừng cọ bát ngát. Ảnh. Đỗ Thảo
Những chùm quả chín già, bóng, dai trĩu mời gọi. Người dân đi thu quả về, chọn những quả tròn, đầy, đều để làm cọ ỏm. Người Phú Thọ có con mắt chọn quả tinh tường, chọn quả nào là quả đó ngon thơm, chứ du khách thập phương khó phân biệt được quả ngon, quả chưa ngon, quả nếp, quả tẻ.
Quả cọ sai trĩu, chín mọng trên cành. Ảnh. Đỗ Thảo
Cọ được chọn đem xóc trộn để cạo bỏ lớp vỏ ngoài, rồi đem rửa sạch, luộc chín. Luộc cọ nghe thì đơn giản, nhưng không khéo thì cọ sẽ không ngon. Khi nước sôi liu riu, cho cọ vào, đậy vung đun nhỏ lửa, để nước sôi lăn tăn. Dầu cọ từ quả phôi ra, nổi váng trên mặt nước, bám vào thành nồi, khi ấy cọ đã chín. Nếu không đúng phần lửa, phần nước, quả cọ sẽ chát và cứng, khó ăn.
Quả cọ chín mọng . Ảnh. Đỗ Thảo
Cọ chín vớt ra, để nguội là ăn được. Cọ ỏm mềm, phía ngoài đen bóng, ở trong vàng ươm như mật ong, cùi dày và thơm. Khi cho vào miệng, mùi thơm lạ, hơi ngái, vị ngậy, bùi, ngọt hấp dẫn. Chấm thêm chút nước mắm hoặc muối vừng, cọ càng dậy lên vị thơm bùi.
Cọ ỏm thơm bùi níu lòng du khách. Ảnh: Đỗ Thảo
Nhâm nhi cọ ỏm trong những cơn gió đầu mùa se lạnh thấy ấm áp lạ thường, thấy được bàn tay khéo léo của những người dân đất Tổ. Cọ ỏm cùng những món ăn lạ mà bình dị khác đã góp phần khiến bao du khách không khỏi quyến luyến, trầm trồ, không nỡ rời xa miền đất bình yên, hồn hậu này.
Theo laodong.com.vn