Từng một thời gian chuyên vận chuyển gỗ đi Hà Nội bán, nắm bắt được nhu cầu thị trường, ông Tiền nhận thấy ở ngay xã Tân Đồng và các địa phương lân cận có nguồn nguyên liệu rừng trồng dồi dào, gỗ xuất chủ yếu dưới dạng thô không lãi được bao nhiêu, rất lãng phí tài nguyên, cộng thêm nguồn nhân công xã thì nhiều, chủ yếu là làm nông. Với mong muốn vươn lên làm giàu, năm 2011, ông Tiền mở xưởng sản xuất ván gỗ ép. Ban đầu, xưởng chỉ có 01 máy ép gỗ, 02 máy bóc và hệ thống lò sấy, lấy tên là Cơ sở chế biến gỗ Hồng Mạnh, tại thôn Khe Nhàn, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
Những ngày đầu bước vào lĩnh vực kinh doanh, cơ sở của ông chỉ dừng lại ở công đoạn sơ chế gỗ rừng trồng với 8 công nhân lao động thường xuyên, hoạt động sản xuất lúc bấy giờ gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ chưa ổn định, sản phẩm làm ra chỉ bán được cho các đại lý thu mua khác. Không cam chịu trước những khó khăn, ông Tiền tận dụng các mối quan hệ làm ăn trước đây để tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định hơn. Qua giới thiệu của bạn bè, ông đã ký hợp đồng cung cấp sản phẩm gỗ ván ép cho Công ty Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Thành Thái, Hà Nội. Có được đầu ra ổn định, ông Tiền mạnh dạn thay thế một số máy móc cũ, công suất thấp, bằng những loại máy móc mới, hiện đại để tăng năng suất, sản lượng. Năm 2015, ông đầu tư thêm 01 máy ép gỗ và một nồi hơi trị giá 1 tỷ đồng. Trong đó, nguồn khuyến công quốc gia hỗ trợ 350 triệu đồng. Đây là những máy móc tiên tiến trong ngành sản xuất ván gỗ ép hiện nay do VN chế tạo với nhiều ưu điểm nổi trội như hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hoạt động ổn định. Nhờ được đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, hiện nay, cơ sở chế biến trên 800m2 sản phẩm/năm, sản phẩm ván ép đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Hàn Quốc, đem lại giá trị kinh tế cao, doanh thu đạt trên 6 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng 1 năm.
Lớn lên từ rừng, lập thân, lập nghiệp rồi thành đạt nhờ rừng, cơ sở chế biến gỗ Hồng Mạnh của gia đình ông Đỗ Văn Tiền đã phát huy được tiềm năng, lợi thế vùng gò đồi để làm giàu trên chính quê hương. Qua thời gian thử thách, giờ đây khi công việc đã dần đi vào ổn định, ông Tiền chia sẻ vui mừng vì nó không chỉ mang lại lợi nhuân trước tiên cho gia đình ông, tạo công ăn việc làm cho anh em trong xã. Hiện nay, cơ sở đã tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 30 lao động địa phương, với mức lượng từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng.
Cơ sở chế biến gỗ Hồng Mạnh của ông Tiền là một trong 12 cơ sở chế biến gỗ tại xã Tân Đồng, không chỉ giúp tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế từ nghề trồng rừng giúp người dân thoát nghèo và làm giàu. Từ sự hỗ trợ kịp thời của nguồn kinh phí khuyến công, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ rừng trồng đã cải tiến thiết bị máy móc, công nghệ trong sản xuất, giảm thấp nhất công đoạn sản xuất, xuất khẩu gỗ dưới dạng thô, đẩy mạnh chế biến theo quy trình khép kín, từ trồng rừng đến chế biến, sản xuất, tiêu thụ gỗ thành phẩm, tạo nên chuỗi giá trị kinh tế cao hơn, góp phần nâng cao giá trị gỗ rừng trồng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Lý Nguyễn