Cùng với tiềm năng, lợi thế của mình, tỉnh Yên Bái đã và đang chú trọng, định hướng phát triển những loại cây có giá trị kinh tế cao trên địa bàn của tỉnh như: gỗ, chè, sắn, quế, măng tre bát độ… nhất là quả sơn tra (quả táo mèo). Đã từ lâu Y học cổ truyền coi quả sơn tra như là một vị thuốc trong đông y có nhiều lợi ích về sức khỏe và đời sống con người. Hiện nay, cây sơn tra được trồng phổ biến ở một số huyện miền núi phía Bắc, trở thành cây trồng có giá trị kinh tế cao giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.
Thực hiện Quyết định số: 2412/QĐ/UBND năm 2016 về việc phát triển cây sơn tra ở 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Đến nay, tỉnh đã phát triển diện tích trồng cây sơn tra lên tới 3.820ha, diện tích thu hoạch là hơn 980ha, với sản lượng bình quân đạt hơn 2.500 tấn quả mỗi năm, đây là nguồn nguyên liệu sẵn có rất lớn tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở chế biến quả sơn tra.
Theo ông Hán Văn Hải – TTKC và Xúc tiến Thương mại tỉnh Yên Bái cho biết: Nhận thấy tiềm năng và thế mạnh của cây sơn tra, một đặc sản của địa phương, năm 2019, được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái phối hợp với TTKC và Tư vấn Phát triển Công nghiệp 1, Công ty Thế Gia đã xây dựng và triển khai đề án hỗ trợ mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất các sản phẩm từ chế biến nông sản bằng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Mục tiêu của đề án mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất các sản phẩm từ chế biến nông sản của Công ty Thế Gia, nhằm thu mua nông sản tại địa phương để sản xuất, chế biến các sản phẩm mới như: trà hòa tan táo mèo, nước uống đóng lon táo mèo, những sản phẩm này được sản xuất bằng dây truyền hiện đại, khép kín, đảm bảo chất lượng và vệ sinh ATTP cho người tiêu dùng.
Được biết, Công ty TNHH Sản xuất Y học cổ truyền và Đông Dược Thế Gia có địa chỉ tại xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuốc y học cổ truyền. Ông Bùi Văn Dũng – Giám đốc Công ty chia sẻ: Nhằm kế thừa những bài thuốc gia truyền của các dòng họ ở vùng cao Tây Bắc và mong muốn duy trì phát triển những tinh hoa của y học cổ truyền Việt Nam trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân, Công ty đã xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất các sản phẩm như: Trà táo mèo, nước đóng lon táo mèo, kẹo ngậm táo mèo... Được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, Công ty đã đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại với tổng kinh phí lên tới 11 tỷ đồng. Trong đó, dây chuyền máy móc, thiết bị sản xuất trà hòa tan táo mèo hoạt động khép kín từ khâu chiết xuất tinh chất đến khâu pha chế và đóng gói sản phẩm đều được thực hiện theo dây chuyền tự động.
Quả sơn tra được thu mua về sục rửa, sấy khô đưa vào máy cắt lát, sau đó cho vào máy lọc để chiết xuất ra tinh chất quả sơn tra ở nhiệt độ 90 độ C, sau khi chiết xuất được chuyển sang máy cô đặc chân không để nâng cao độ khô của dịch chiết và giúp thanh trùng dịch quả làm tăng thời gian bảo quản sản phẩm. Sau đó, qua quá trình sấy phun và pha chế các tinh chất sơn tra sẽ được nâng cao hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm, đồng thời làm giảm thể tích bao bì khối lượng, giúp vận chuyển được dễ dàng hơn. Trà hòa tan táo mèo được đóng gói bằng máy đóng gói tự động nên, vừa chính xác được số lượng, đảm bảo vệ sinh và tránh được hư hao, gây lãng phí nguyên vật liệu. Hiện nay, doanh nghiệp Thế Gia đang hoàn thiện dây truyền sản xuất đóng lon nước táo mèo Shan Thịnh theo đề án khuyến công đã được phê duyệt, nhằm cung cấp cho thị trường dòng nước giải khát có chất lượng cao có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Trung Lân – Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của tỉnh Yên Bái lần thứ 19 là xây dựng Yên Bái trở thành trung tâm chế biến lâm sản công nghệ cao của khu vực, rõ ràng, lâm sản đang là thế mạnh của Yên Bái, hiện nay tỉnh đang ưu tiên cho công nghiệp chế biến lâm sản, đây cũng là điều kiện phù hợp cho phát triển công nghiệp nông thôn. Công tác khuyến công trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc phát triển công nghiệp nông thôn của tỉnh Yên Bái, theo đánh giá của nhiều cấp, ngành Yên Bái là tỉnh phát triển công nghiệp nông thôn trong tốp đầu các tỉnh miền núi phía Bắc. Chính vì vậy, Yên Bái đã tiêu thụ được hết những nông - lâm sản, những nguyên liệu cho công nghiệp nông thôn như: sản phẩm sơn tra, chè, gỗ, sắn, quế, măng tre bát độ… Đây là những sản phẩm được chế biến rất hiệu quả, nâng cao được giá trị nông sản cho bà con, các sản phẩm trên cũng đã được xuất khẩu.
Từ nguồn vốn khuyến công khoảng 25 tỷ đồng trong 5 năm, bao gồm nguồn khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương đã thu hút được trên 200 tỷ vốn từ các doanh nghiệp, tiếp tục đầu tư, cải tạo dây chuyền sản xuất, xây dựng mô hình nâng cao hoạt động và phát triển công nghiệp nông thôn, cũng như giá trị của sản phẩm được chế biến ra. Ngoài việc tiêu thụ hết các sản phẩm cho bà con đã tạo được nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương thực hiện tốt việc “ly nông không ly hương”.
Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Yên Bái, mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất các sản phẩm từ quả sơn tra của Công ty TNHH Sản xuất Y học cổ truyền và Đông dược Thế Gia có tính thực tiễn và tính khả thi cao, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế – xã hội. Từ mô hình này, ngành Công Thương Yên Bái sẽ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn, mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, từ đó tìm tòi, nghiên cứu ra những sản phẩm mới có chất lượng cao, tận dụng tốt nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Qua đó, giúp doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn và người dân an tâm canh tác nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa phát huy tiềm lực của địa phương, đồng thời, thực hiện chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế cho khu vực nông nghiệp nông thôn, góp phần vào việc xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Công Du