Chủ Nhật, 24/11/2024 09:18:54 GMT+7
Lượt xem: 4680

Tin đăng lúc 12-12-2016

"Công nghiệp hóa" như thế nào?

Muốn công nghiệp hóa (CNH) đất nước, việc đầu tiên Việt Nam phải xác định cho được thế nào là một nền kinh tế CNH, nền công nghiệp mà chúng ta muốn xây dựng có những đặc điểm gì, các nước “láng giềng” đã CNH như thế nào?... Tất cả, đang cần phải được làm rõ.
"Công nghiệp hóa" như thế nào?
Các đại biểu tại Lễ khởi công khu công nghiệp Cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải

Trong suốt hơn nửa thập kỷ qua, CNH ở Việt Nam luôn được coi là mục tiêu quan trọng, mang tính chủ đạo trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Thời kỳ trước năm 1989, chính sách công nghiệp bị chi phối bởi yêu cầu của chiến tranh và nỗ lực kiến tạo một nền công nghiệp theo mô hình Xô viết. Nỗ lực này kết thúc với sự sụp đổ của thị trường chung Comecon và được thay thế bởi chính sách công nghiệp ít nhiều chịu ảnh hưởng từ kinh nghiệm của một số nước lân cận Đông Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.

 

Đại hội VIII (năm 1996) của Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành “một nước công nghiệp có cơ sở vật chất-kỹ thuật hiện đại”. Mục tiêu này được diễn đạt một cách thận trọng hơn trong văn kiện của đại hội IX (năm 2001), rằng: “Đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Thông báo của Hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành TW Đảng khóa X ngày 28/3/2010 một lần nữa khẳng định đây là mục tiêu tổng quát của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù, mục tiêu này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng dường như đến nay để có thể xác định một nền công nghiệp như thế nào thì được coi là về cơ bản theo hướng hiện đại xem ra vẫn còn mung lung, chưa ngã ngũ. Chính vì vậy, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã phải điều chỉnh, phấn đấu đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

 

Trong hệ thống phân loại mức độ phát triển công nghiệp, Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hiệp quốc (UNIDO) căn cứ vào ba tiêu chí, bao gồm giá trị gia tăng hàng công nghiệp chế tạo (MVA) trên đầu người, tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp chế tạo và tỷ trọng ngành công nghiệp chế tạo trong GDP để phân các nước thành 5 nhóm: CNH, CNH mới thế hệ thứ nhất (NICs), CNH mới thế hệ thứ hai, đang phát triển và chậm phát triển. Theo cách phân loại này, ở châu Á, chỉ có Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore và Hồng Kông thuộc nhóm NICs. Điều đáng lưu ý, trong hệ thống phân phối loại này, UNIDO bỏ qua hai chỉ tiêu rất quan trọng. Thứ nhất, tỷ trọng lao động công nghiệp (đặc biệt là công nghiệp chế tạo) trong tổng lượng lao động. Về mặt lý thuyết, so với các chỉ tiêu dựa vào MVA, chỉ tiêu về lao động đo lường đúng hơn trình độ CNH của một quốc gia vì nó phản ảnh sự dịch chuyển về con người và tri thức trong nền kinh tế. Thứ hai, chỉ tiêu về tỷ trọng công nghiệp chế tạo công nghệ cao và như thế vô hình chung đã đánh đồng “micro chip” với “potato chip” -  tuy cùng là “chip” nhưng trình độ và sức lan tỏa về công nghệ rất khác nhau.

 

Trở lại mục tiêu về CNH, ngay cả khi căn cứ vào tiêu thức đơn giản nhất là MVA trên đầu người thì khoảng cách giữa Việt Nam và một số nước có nền công nghiệp thành công hơn trong khu vực vẫn còn rất xa. Cụ thể, hiện tại MVA trên đầu người của Việt Nam vào năm 2008 là khoảng 200 USD. Trung Quốc đạt mức này năm 1995, Thái Lan năm 1986, Malaysia năm 1997 và Hàn Quốc năm 1976. Điều này, có nghĩa là, nếu chúng ta coi Thái Lan hiện nay đã cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì ngay cả khi chúng ta tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp rất cao thì cũng phải đến năm 2025, MVA trên đầu người của Việt Nam mới tương đương mức của Thái Lan năm 2008, tức là khoảng 1.400 USD. Nếu sử dụng tiêu chuẩn cao hơn, coi Malaysia vào năm 2008 cơ bản có nền công nghiệp theo hướng hiện đại thì phải đến năm 2030, MVA trên đầu người của Việt Nam mới đạt được mức của Malaysia hiện nay và đương nhiên là với điều kiện công nghiệp Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng trên 10% trở lên. Ở đây, khách quan thừa nhận rằng đến nay cả Malaysia và Thái Lan vẫn chưa được coi là nền công nghiệp tiên tiến.

 

Báo cáo năng suất Việt Nam 2014 do Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) biên soạn thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam 2013 - 2014 đạt khoảng trên 40 triệu đồng/người. tốc độ tăng GDP của Việt Nam ở mức trung bình so với một số nước châu Á, giai đoạn 2006 - 2010 đạt 6,32%, giai đoạn 2011 - 2014 đạt 5,72%. Năm 2014, GDP bình quân đầu người đã đạt gần gấp rưỡi so với năm 2005 - 2006. Nếu quy đổi bằng tỉ giá hối đoái tính theo USD, năm 2013 GDP trên đầu người của Việt Nam đạt mức 1.911 USD. Trong số các nước châu Á được coi là phát triển như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc đạt mức rất cao, trong đó cao nhất là Singapore đạt trên 55.000 USD/người – báo cáo nhận định.Trên thực tế, GDP bình quân đầu người của Việt Nam thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực, mà để bắt kịp với các nước trong khu vực, Việt Nam cần phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là tốc độ tăng năng suất lao động.

 

Đặt ra mục tiêu phát triển công nghiệp mới chỉ là một bước khởi đầu trong việc hình thành nên chiến lược và chính sách công nghiệp của một quốc gia. Tuy nhiên, việc đặt mục tiêu không rõ ràng hay không khả thi có thể dẫn đến hậu quả khôn lường, thậm chí phải trả giá rất đắt trong tương lai, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế và công nghiệp toàn cầu đang vận hành với tốc độ “chóng mặt” như hiện nay. Bên cạnh đó, còn phải nhấn mạnh rằng, các quốc gia thường chỉ nghĩ về chính sách công nghiệp như một phần, thậm chí chỉ là một phần nhỏ của hệ thống chính sách và thể chế định hình sự phát triển công nghiệp (ở phương diện này, Việt Nam không phải là ngoại lệ). Nhìn một cách đúng đắn, chính sách công nghiệp ở Việt Nam cũng như ở các nước khác phải bao gồm rất nhiều hợp phần, từ chính sách kinh tế vĩ mô, xây dựng các thể chế hỗ trợ thị trường hiệu quả... cho đến các biện pháp khuyến khích cạnh tranh lành mạnh. 

 

Anh Thư


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang