Với những người lần đầu nghe chuyện về ông Trí và Lập Phúc, đó sẽ là một câu chuyện cổ tích, là một giấc mơ. Xuất thân từ công nhân, học hỏi không ngừng để có thể trở thành quản đốc xưởng, rồi mất việc vì công ty giảm biên chế, ông Trí trở thành một nhà khởi nghiệp kiên định với ngành Cơ khí, trước cả khi những khái niệm như “start-up” được biết đến rộng rãi như ngày nay.
“Năm 1994, cơ quan tinh giản biên chế, tôi chuyển ra lập công ty mang tên Lập Phúc, mày mò sửa chữa máy móc cho cơ sở tư nhân. Lúc còn làm việc tại công ty cũ, tôi học được sự chuyên nghiệp của đối tác Nhật Bản. Với nền móng về sự chuẩn chỉ của cơ khí, tôi từng bước lập nghiệp với nghề khuôn mẫu”, ông Trí chia sẻ.
Vào những năm 1994 – 2000, ngành khuôn mẫu chủ yếu do người Hoa thống lĩnh. Để tìm lối đi riêng, ông Trí chọn một nhánh riêng, không tập trung vào đồ gia dụng mà làm khuôn đồng hồ, quạt máy. Thậm chí, ông đã vay mượn 120.000 USD của người thân mua một máy phay CNC. Đó là một trong những máy hiện đại được nhập về Việt Nam cách đây 25 năm nhưng cũng là một khoản nợ khổng lồ.
Để sản phẩm làm ra đáp ứng và gia nhập được chuỗi giá trị lớn toàn cầu của các tập đoàn lớn châu Âu, Mỹ, là cả chặng đường nỗ lực từ cá nhân Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Trí cũng như các cộng sự tại Công ty Lập Phúc.
Một trong những đối tác lớn đầu tiên của doanh nghiệp (DN) là Công ty Colgate. 13 năm trước, Công ty đa quốc gia Colgate-Palmolive (Mỹ) đã đặt ra tiêu chuẩn rất cao cho sản xuất bàn chải. Bàn chải Colgate được tạo nên từ hai nửa ghép lại với nhau. Đường ranh giữa hai nửa ghép là một đường mảnh hơn sợi tóc, chạy dài từ chuôi tay cầm bàn chải lên tới đầu bàn chải, nó gần như không tồn tại. Đối tác đặt ra yêu cầu, quanh đầu bàn chải Colgate phải trơn tru, đường ranh mảnh trên không gợn, không có độ sắc, không gây tổn thương cho người tiêu dùng khi đưa bàn chải vào miệng đánh răng. Đòi hỏi này nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.
Sau 01 năm trời ròng rã, cuối cùng, công ty của ông Trí đã tạo ra sản phẩm khuôn ưng ý cho khách hàng. Nhiều đơn vị cơ khí từng tham gia sản xuất khuôn bàn chải cho Colgate nhưng bỏ cuộc giữa chừng. 13 năm trước, Lập Phúc chính là DN duy nhất tại Việt Nam thực hiện thành công dự án này. Từ những khuôn mẫu chính xác trên, Công ty Colgate-Palmolive Việt Nam tại Khu công nghiệp Mỹ Phước III (Bình Dương), đã sản xuất ra khoảng 250 triệu sản phẩm bàn chải/năm, đưa đi tiêu thụ toàn cầu.
Sau dự án thành công cho Colgate, những khách hàng Mỹ tự giới thiệu lẫn nhau về danh tính một đơn vị chuyên gia công cơ khí chính xác tại Việt Nam. Từ đây, Công ty Lập Phúc dần tham gia được vào chuỗi giá trị lớn toàn cầu của Suzuki, Panasonic, Sanyo hay Omron… Cách đây 4 năm, Công ty bắt đầu làm khuôn mẫu chính xác cho các hãng xe nổi tiếng như Tesla, GM (General Motors). Đối với các sản phẩm từng được DN chế tạo, ông Trí cho rằng, mỗi khuôn mẫu chính xác có độ khó riêng, song Công ty Lập Phúc thích nhận làm chi tiết khó, bởi hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, độ khó càng cao, càng mang lại thú vị cho các kỹ sư trong nghề cơ khí và nhận được sự tôn trọng từ bạn hàng.
Xưởng sản xuất tự động không cần công nhân tại Lập Phúc
“Trong 30 năm qua, chúng tôi không hề may mắn khi giành được các hợp đồng”, ông Trí khẳng định và cho biết thêm, một phần thành công gặt hái được do DN phải tái đầu tư số tiền lớn vào trang thiết bị máy móc cơ khí. Đề cập về hướng đi của DN trong tương lai, ông cho hay, DN muốn là đơn vị gia công của các tập đoàn cơ khí lớn toàn cầu. Nghĩa là, Công ty Lập Phúc trở thành xưởng khuôn đúc chủ lực, chuyên gia công quốc tế, cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cơ khí chính xác.
Hiện tại, hợp đồng đến với đơn vị thông qua các tập đoàn cơ khí quốc tế làm trung gian (chủ yếu hợp đồng đến từ Mỹ). Ông Trí nhận định, lĩnh vực cơ khí chính xác ở Mỹ đang không có thế hệ kế tục. Bởi 100% công ty khuôn mẫu của Mỹ đều từ Đức di cư qua, giới chủ là người Mỹ gốc Đức. Các công ty này đã lập nghiệp được 2-3 thế hệ, thợ lành nghề đã tới tuổi nghỉ hưu. Đến nay, thanh niên Mỹ lại không muốn nối dõi, đi theo nghề cơ khí nặng nhọc.
Do đó, những tập đoàn cơ khí Mỹ sẽ chủ yếu nhận việc rồi chuyển lại cho các công ty gia công như Lập Phúc thực hiện sản xuất. Tương lai, DN cơ khí phía Mỹ sẽ như tổng đại lý bảo hành sản phẩm quốc tế. Với phương thức hợp tác trên, ngay cả mùa dịch, đơn hàng vẫn ổn định, 220 nhân sự của Công ty Lập Phúc không bao giờ thiếu việc. Cùng với đó, khi hợp tác qua trung gian, công ty cơ khí của Việt Nam cũng không phải chịu sự cạnh tranh trực tiếp với DN cơ khí nội địa Mỹ hay quốc tế.
Tuy nhiên, con đường đưa sản phẩm ra quốc tế của ông Trí không hề bằng phẳng. Lập Phúc bị cạnh tranh gay gắt với các DN Trung Quốc, vốn là anh cả trong ngành. “Khi mình mới bắt đầu, các nhà máy của Trung Quốc đã xây dựng được chỗ đứng vững chắc nên để chen chân vào được là cực khó”, ông Trí nói. Bởi theo ông, khi hai sản phẩm chất lượng, giá thành như nhau, khách hàng sẽ chọn nhà cung cấp Trung Quốc vì ưu tiên nơi có kinh nghiệm. Để cạnh tranh, ông Trí xác định giá phải rẻ hơn và chất lượng phải tốt hơn, theo chuẩn của các DN Nhật Bản.
Tận dụng lợi thế từng là thợ cơ khí lành nghề, ông mua máy móc cũ của Nhật sau đó sửa chữa, cải tiến để chạy những công đoạn đầu của sản phẩm. Tới khâu hoàn thiện, sản phẩm được thực hiện hoàn toàn trên các máy móc mới để đạt được khuôn mẫu chính xác, đẹp nhất. Khi chi phí cho máy móc giảm, giá thành sẽ giảm theo. Mấy năm gần đây, khi Mỹ áp thuế cao với các hàng hóa từ Trung Quốc, Công ty Lập Phúc lại được hưởng lợi khi thuế chỉ bằng 1/4 so với các khuôn mẫu của nhà máy Trung Quốc. Nhờ thế, đơn hàng của công ty luôn dồi dào, ngay cả khi cả thế giới bước vào đợt suy thoái chung.
Từ một công nhân, ông Trí đã vươn lên trở thành chủ DN giỏi, nhà máy có nhiều dòng sản phẩm chất lượng cao. Có thể nói, Lập Phúc là một trong số ít DN Việt đầu tư mạnh mẽ công nghệ, máy móc để bước vào sân chơi lớn ở các nước G7, đặc biệt là ngành công nghiệp hỗ trợ khuôn mẫu ô tô, nhanh nhạy nắm bắt sự chuyển dịch của thị trường quốc tế để thúc đẩy sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Lê Phương