Thứ Năm, 14/11/2024 05:28:51 GMT+7
Lượt xem: 1476

Tin đăng lúc 06-04-2020

[COVID-19] Vingroup và những con số đáng ngưỡng mộ

Dù cũng bị thiệt hại do dịch COVID-19, nhưng tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn nỗ lực chung tay đóng góp hàng ngàn tỷ đồng cùng cả nước chống dịch COVID-19.
[COVID-19] Vingroup và những con số đáng ngưỡng mộ
Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết sẽ tặng nhà nước 5.000 máy thở phòng chống dịch COVID – 19.

Sau khi hỗ trợ 5 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch COVID-19 (ngày 15/3), đến ngày 25/3, thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tập đoàn VinGroup lại tiếp tục đề xuất tài trợ gói trang thiết bị y tế, máy móc – hóa chất xét nghiệm virus Sars-CoV-2 trị giá 100 tỷ đồng. Gói tài trợ 100 tỷ đồng này bao gồm 100 máy thở cao cấp dùng cho xâm nhập và không xâm nhập, 800 bộ test COVID-19 của Hàn Quốc, 200.000 test COVID-19 của Hàn Quốc…

 

Trước đó, ngay từ tháng 2, Quỹ Đổi mới sáng tạo (VINIF), Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn – VINBDI (thuộc Tập đoàn VinGroup) đã ký kết tài trợ 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch Covid-19. Ba đơn vị nhận được tài trợ gồm công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng.

 

Liên tiếp đưa ra các gói tài trợ

 

Toàn bộ kinh phí tài trợ sẽ được các đơn vị sử dụng để nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm vaccine, xác định đặc điểm dịch tễ và virus của bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, xây dựng mô hình ước tính tình hình dịch bệnh, dự đoán khả năng lây truyền, xác định biện pháp ứng phó cần thiết và đưa ra cảnh báo phù hợp. Bên cạnh việc tài trợ các trang thiết bị y tế cho công tác chống dịch, Tập đoàn VinGroup còn kích hoạt nhiều chương trình, kế hoạch khác nhằm hỗ trợ những khó khăn cho các đối tác, khách hàng trong mùa dịch này.

 

Theo đó, vào đầu tháng 3, CTCP Vincom Retail đã công bố dành 300 tỷ đồng hỗ trợ cho các đối tác thuê mặt bằng trung tâm thương mại trên toàn hệ thống. Đáng chú ý, mới đây tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã quyết định chi trả 100% chi phí 2 chiều chuyến bay của hãng Vietnam Airlines để đưa công dân nước bạn về nước đồng thời đón người Việt tại Ukraine hồi hương.

 

“Tốc hành” sản xuất máy thở

 

Đại diện của Vingroup cho biết, 12 giờ trưa ngày 30/3, Lãnh đạo Tập đoàn đã triệu tập phiên họp khẩn cấp và yêu cầu tất cả các Viện nghiên cứu của Tập đoàn dừng hết các việc hằng ngày, tập trung vào tìm kiếm và nghiên cứu các phương án để có thể sản xuất được các loại máy thở. Ngay sau đó, Vingroup đã ký kết hợp đồng license với hãng Medtronic của Mỹ để được sử dụng thiết kế của họ cho Máy thở Xâm nhập nhãn hiệu PB560, đồng thời, bắt tay vào nghiên cứu máy thở không xâm nhập dựa theo thiết kế do Đại học MIT (Mỹ) chia sẻ cho cộng đồng

 

“Vingroup có một lợi thế là có 2 Công ty sản xuất ô tô và thiết bị điện tử, vì vậy chúng tôi có thể chế tạo đồng thời cả các chi tiết lớn, các chi tiết cơ khí và các chi tiêt khó và hiếm hàng tại thời điểm này như các bo mạch điện tử. Chúng tôi cũng có các kỹ sư thiết kế giỏi để có thể chuyển hóa các thiết kế concept, thiết kế 2D do các hãng cung cấp thành các thiết kế chi tiết, đầy đủ theo yêu cầu của các nhà sản xuất”, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, chia sẻ.

 

Dự kiến các lô linh kiện của máy thở không xâm nhập đầu tiên sẽ về đến nhà máy sau 2 tuần nữa và sau 4 tuần sẽ có các lô linh kiện của máy thở xâm nhập. Một ngày sau khi đủ linh kiện VinFast sẽ cho xuất xưởng các loại máy thở để chuyển Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch Công nghệ thẩm định và cấp chứng nhận chất lượng trước khi đưa vào sử dụng tại các cơ sở y tế trên toàn quốc.

 

“Chúng tôi dự kiến sẽ cung cấp các thiết bị này cho Bộ Y tế Việt Nam với đúng giá thành linh kiện, và không tính tất cả các chi phí vận chuyển, thuế các loại, chi phí nhân công, sản xuất… vào giá thành. Trước mắt, chúng tôi sẽ tặng cho Bộ Y tế 5.000 máy thở không xâm nhập để kịp thời phục vụ chống dịch”, ông Nguyễn Việt Quang Tổng giám đốc Vingroup, cho biết.

 

Hiện nay, công suất của các nhà máy VinFast, VinSmart có thể sản xuất tới 45.000 máy thở không xâm nhập và 10.000 máy thở xâm nhập mỗi tháng. “Vingroup có thể hỗ trợ các nhà sản xuất khác trên thế giới để gia công thiết bị cho họ, hoặc cung cấp một phần nhu cầu - số lượng cụ thể phụ thuộc vào khả năng cung ứng linh kiện của các đối tác”, ông Quang cho biết.

 

Việt Nam hiện đang có một số lợi thế trong việc sản xuất thiết bị y tế trong nỗ lực phòng chống virus gây chết người SARS-CoV-2. Ngay khi dịch bùng phát tại Trung Quốc và Việt Nam xuất hiện những ca bệnh COVID-19 đầu tiên, Bộ Khoa học - công nghệ đã phê duyệt 4 đề tài nghiên cứu nhằm phục vụ phòng chống dịch bệnh này. Tính đến nay, nhiều quốc gia và doanh nghiệp đã đặt mua kit phát hiện SARS-CoV-2 do Việt Nam sản xuất.

 

Theo Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang