Thứ Năm, 21/11/2024 20:14:46 GMT+7
Lượt xem: 1464

Tin đăng lúc 10-10-2021

Cùng doanh nghiệp vượt khó

Sát cánh cùng doanh nghiệp bằng việc giảm lãi suất, triển khai các chương trình ưu đãi, giãn nợ, hoãn nợ…, nhiều ngân hàng đã hy sinh lợi nhuận trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Việc này mở ra nhiều cơ hội vượt khó cho doanh nghiệp.
Cùng doanh nghiệp vượt khó
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh quận Hai Bà Trưng.

Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) thông tin, đã hỗ trợ cho vay mới khoảng 590.000 tỷ đồng; hạ lãi suất cho gần 7.500 khách hàng chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, dư nợ đang được miễn giảm lãi suất là 260.000 tỷ đồng. Tổng số tiền lãi thực đã hạ cho các khách hàng chịu ảnh hưởng từ thời điểm dịch bệnh bùng phát đến nay là gần 4.000 tỷ đồng. Dự kiến tổng số tiền cắt giảm lợi nhuận của VietinBank nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của Covid-19 trong năm 2021 vào khoảng hơn 6.000 tỷ đồng.

 

Còn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 20.025 khách hàng với dư nợ hơn 52.000 tỷ đồng. Agribank dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 7.000 tỷ đồng lợi nhuận trong những tháng cuối năm để triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng.

 

Không chỉ VietinBank, Agribank, hầu hết các ngân hàng trong hệ thống đều dự báo sẽ giảm lợi nhuận trong những tháng cuối năm khi thực hiện những biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

 

Theo chuyên gia tài chính, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, việc các ngân hàng thực hiện giảm 1% lãi suất hồi tháng 7 trên tổng dư nợ hiện hữu khoảng 9,6 triệu tỷ đồng, con số lợi nhuận ngân hàng có thể bị ảnh hưởng vào khoảng 96.000 tỷ đồng, tương đương với 1/2 lợi nhuận của toàn ngành năm 2020. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, dịch Covid-19 không chỉ tác động tới doanh nghiệp mà cả ngân hàng, nhất là trong bối cảnh hàng loạt tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội.

 

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta nhận định, lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2021 sẽ phần nào phụ thuộc vào khả năng thu hồi nợ từ những khoản nợ vay tái cơ cấu. Nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu, các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp sẽ phải tăng thêm dự phòng, từ đó làm giảm lợi nhuận thời gian tới.

 

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tìm mọi cách để chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Trong đó, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, như: Tiếp tục cắt giảm chi phí hoạt động, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, giảm chỉ tiêu lợi nhuận, không chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2021 để tập trung giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với các khoản cho vay cũ và các khoản cho vay trung và dài hạn; chủ động thực hiện hệ thống các giải pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19 và kịp thời xây dựng, triển khai các giải pháp mới...

 

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh, trong điều kiện lạm phát được dự báo ở mức thấp hơn mục tiêu, kinh tế tiếp tục bị tác động nặng nề từ dịch Covid-19, chính sách tiền tệ sẽ định hướng tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Cụ thể là, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm theo dõi chặt chẽ diễn biến lạm phát, thị trường trong và ngoài nước để chuẩn bị phương án điều hành, nếu lạm phát tăng nhanh hơn dự kiến…

 

Theo báo Hà Nội mới


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang