Thứ Năm, 21/11/2024 20:32:50 GMT+7
Lượt xem: 894

Tin đăng lúc 17-07-2024

Đắk Lắk: Doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới công nghệ nhờ vốn khuyến công

Với sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công (KC), thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ mới, tạo sự thay đổi cả về chất và lượng của sản phẩm, từ đó có thêm động lực, nguồn lực phát triển.
Đắk Lắk: Doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới công nghệ nhờ vốn khuyến công
Nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ DN lắp đặt hệ thống máy rang cà phê

Cà phê nguyên chất hoa sữa 100% và cà phê hạt rang chất lượng cao Krông Búk của hộ kinh doanh Nguyễn Đình Vạn (xã Cư Né) là hai trong số các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao đầu tiên của huyện. Sau khi đạt chứng nhận OCOP 3 sao, chủ hộ kinh doanh này đã được hỗ trợ 125 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công để lắp đặt hệ thống máy rang cà phê công suất 20 kg/mẻ thay vì sản xuất theo kiểu truyền thống, nhằm mở rộng kinh doanh.

 

Còn với HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh là đơn vị chuyên sản xuất kinh doanh sản phẩm lúa gạo tại xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) với diện tích liên kết với thành viên là 300 ha; trong đó có áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP và theo hướng hữu cơ. Những năm gần đây, HTX đã từng bước đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến trong sản xuất, chế biến gạo an toàn để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, sản phẩm gạo làm ra vẫn còn lẫn tạp chất, hạt gạo không đồng đều, giá thành cao, trong khi đó vì nguồn lực có hạn nên việc trang bị máy móc, thiết bị theo hướng hiện đại chưa thể đáp ứng nhu cầu SXKD tại HTX.

 

Năm 2023, nhờ nguồn kinh phí khuyến công, HTX được hỗ trợ 320 triệu đồng để đầu tư một máy tách màu, phân loại gạo từ Đề án khuyến công “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản”.

 

Máy có công suất 500 - 700 kg/giờ, tách màu tự động tạo ra sản phẩm gạo sạch, chất lượng cao nhờ vào việc loại bỏ gần như hoàn toàn các hạt lỗi có trong thành phần gạo sau khi qua máy sàng gạo. Từ khi đưa máy tách màu, phân loại gạo vào hoạt động đã giúp sản phẩm gạo do HTX làm ra đạt chất lượng cao hơn, có lợi thế để cạnh tranh về giá trên thị trường, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu.

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, công tác hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đúng đối tượng, đúng mục đích đã mang lại kết quả tích cực, qua đó tiếp sức, thúc đẩy cho các HTX, cơ sở kinh doanh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, mẫu mã hàng hóa.

 

Theo đại diện Sở Công Thương Đắk Lắk, năm 2024, kinh phí phê duyệt kế hoạch khuyến công địa phương đợt 1 là gần 5,1 tỷ đồng để thực hiện 24 đề án. Chương trình khuyến công sẽ tập trung vào các nội dung: Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến.

 

Hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, nhận thức về năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp thông qua các hoạt động tư vấn, tập huấn, đào tạo, hội thảo: Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp nhận công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh;

 

Tư vấn, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn: Hỗ trợ thuê tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn; Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn: Tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; Tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực…

 

Việc các cơ sở CNNT tại Đắk Lắk đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là tất yếu nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, bảo đảm nền nông nghiệp phát triển bền vững. Thông qua nguồn kinh phí khuyến công, công tác hỗ trợ máy móc, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được tỉnh chú trọng triển khai đã góp phần giúp HTX và doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều cơ sở đã mạnh dạn đầu tư công nghệ mới vào sản xuất để tạo ra sản phẩm hàng hóa có mẫu mã đa dạng, chất lượng cao, tăng giá trị cạnh tranh, giúp sản phẩm của địa phương từng bước xác lập được vị thế trên thị trường.

 

An Nhi


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang