Năm 2016, TTKC đã triển khai 6 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong dây chuyền sản xuất cho các DN, hộ sản xuất. Theo đó, các đề án khuyến công tập trung hỗ trợ sản xuất những sản phẩm địa phương có lợi thế về vùng nguyên liệu như chế biến cà phê, nông, lâm sản, vật liệu xây dựng. Qua đó, giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao công nghệ sản xuất, hoàn thiện mẫu mã bao bì sản phẩm, xây dựng thương hiệu, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Nguồn vốn khuyến công hỗ trợ tuy không nhiều nhưng đã tạo thêm nguồn lực để các cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Để bảo đảm tính khách quan, thiết thực và hiệu quả, TTKC đã thực hiện quy trình lựa chọn chặt chẽ từ cơ sở, qua thẩm định của Phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện rồi đăng ký lên Sở Công Thương lựa chọn. Ngoài ra, các đơn vị được thụ hưởng phải bảo đảm quy định về môi trường, an toàn xây dựng và đề án phải mang lại lợi ích cho địa phương cũng như tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.
Là một trong những đơn vị nhận được sự hỗ trợ từ đề án khuyến công địa phương, Công ty TNHH Đức Thịnh (thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar) đã đưa dây chuyền sản xuất hạt điều, công suất từ 2,5 – 3 tấn nguyên liệu/ngày vào hoạt động. Với 150 triệu đồng hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công cộng thêm 700 triệu đồng vốn đối ứng, đơn vị thụ hưởng đã thay thế hoàn toàn quy trình cắt tách vỏ hạt điều bằng thủ công trước đây. Hiện nay, chất lượng sản phẩm điều nhân của đơn vị này không những được nâng cao, mà còn bảo đảm về an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm khá nhiều chi phí trong chế biến so với phương pháp bóc tách vỏ lụa hạt điều nhân bằng tay.
Trao đổi với phóng viên, Ông Trương Ngọc Minh - Giám đốc TTKC Đắk Lắk cho biết, để phát huy tối đa hiệu quả các đề án, TTKC xác định phải chú trọng đến sự bền vững, đa dạng, phù hợp nhu cầu DN và quản lý, theo dõi chặt chẽ các đề án ở cơ sở. Do đó, quy mô, chất lượng đề án được cải thiện, không những mang lại lợi ích kinh tế cho đơn vị thụ hưởng, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn của địa phương.
Được biết, trong thời gian tới, hoạt động khuyến công tại Đắk Lắk sẽ có nhiều điểm mới đó là sẽ tập trung hỗ trợ giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có khả năng vận hành dây chuyền, thiết bị mang tính hiện đại, từng bước tự động hóa sản xuất. Năm 2017, Trung tâm sẽ triển khai 19 đề án khuyến công với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng.
Nguyễn Hoa