FDI đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP, đổi mới thiết bị công nghệ, đổi mớí phương thức quản lý trong sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng trưởng xuất khẩu, tạo ra nhiều mặt hàng tiêu dùng mới cho thị trường nội địa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết được việc làm cho hàng chục triệu lao động và thay đổi cuộc sống của một bộ phận lớn dân cư…
Tuy nhiên, đằng sau “màu hồng” cơ bản đó, FDI cũng mang lại không ít “màu đen” theo đúng nghĩa thật sự của nó, nổi bật là hủy hoại môi trường nặng nề và trên diện rộng. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, ô nhiễm môi trường tại Việt Nam làm thiệt hại đến 5% GDP, nếu tăng 1% GDP, thì hủy hoại môi trường lên đến 3%, đây là một con số khổng lồ. Nhiều chuyên gia đánh giá, trong số các dự án nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam, có tới 80% thuộc loại công nghệ trung bình thế giới, 15% công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều nhiên liệu và chỉ khoảng 5% có công nghệ cao. Theo một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Thiên nhiên con người (PanNature) cho thấy, có tới 80% khu công nghiệp vi phạm quy định về môi trường; 23% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn cho phép từ 5-12 lần. Đặc biệt DN FDI chiếm 60% tổng số các DN xả thải vượt quy chuẩn. 20% doanh nghiệp cho rằng, tiết kiệm được chi phí môi trường dưới 10% so với đầu tư ở nước mẹ; 68% cho rằng sẽ tiết kiệm được chi phí từ 10-15% và 12% sẽ tiết kiệm được hơn 50% chi phí.
Từ mức độ nghiêm trọng hủy hoại môi trường của nhiều doanh nghiệp FDI, đặc biệt vụ án xả nước thải độc hại ra biển của Fomosa Hà Tĩnh gây cá chết hàng loạt và ô nhiễm nặng nề dọc khu vực biển miền Trung, vấn đề bảo vệ môi trường đang đặt ra cấp thiết, nhất là trong bối cảnh làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao như dệt may, da giày, giấy, sắt thép... đang gia tăng trong thời gian gần đây.
Hiện nay, việc thu hút và quản lý dự án FDI đã được phân cấp mạnh mẽ cho địa phương và ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Phân cấp không phải là xấu, mục đích là nhằm tạo sự chủ động cho các địa phương trong thu hút đầu tư; tạo cơ chế một cửa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đáp ứng kịp thời yêu cầu, nguyện vọng của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương, khiến các tỉnh, thành phố đua nhau xúc tiến đầu tư, “chạy” dự án FDI… để thu lợi nhuận và thành tích, dẫn đến tình trạng “phá vỡ tiêu chí cần thiết”, bất chấp quy tắc, lôi kéo dự án FDI về địa phương mình bằng mọi giá.
Thực trạng này có cả vai trò định hướng của Nhà nước, tính pháp lý và công cụ đánh giá, giám sát mức độ tổn hại đến môi trường. Vai trò định hướng của Nhà nước hiện chưa phát huy được nhiều, thậm chí còn bị bóp méo. Cơ chế xin - cho, đặt hàng dự án FDI cũng là một tác nhân dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, bất chấp quy tắc của các địa phương. Bên cạnh đó, vai trò giám sát của Nhà nước cũng chưa được toàn diện. Nhà nước phải thường xuyên giám sát việc phát thải của DN, vì thực tế có những DN đã xây dựng hệ thống xử lý phát thải, nhưng họ có vận hành hệ thống này trong quá trình hoạt động hay không lại là chuyện khác, bởi chi phí vận hành hệ thống này khá đắt đỏ, tốn kém.
Một nguyên nhân khác của thực trạng dự án FDI gây ô nhiễm môi trường là công cụ pháp lý chưa đủ và chưa chặt chẽ. Cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa có văn bản nào quy định một cách rõ ràng rằng công nghệ nào là lạc hậu và công nghệ nào không được đầu tư vào Việt Nam. Thực tế, pháp luật chỉ mới quy định việc xử phạt đối với hành vi phát thải mà chưa có chế tài xử lý người cấp phép cho dự án FDI không đạt tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường. Theo quy định, các nhà đầu tư phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và được cơ quan chức năng thẩm định, nhưng thực tế vẫn có dự án FDI còn nợ báo cáo, có khi các báo cáo còn giống nhau như đúc, nhưng chúng ta cũng chưa có chế tài xử lý nghiêm khắc việc làm này.
Sau 30 năm đổi mới, đất nước đã khác và lớn mạnh hơn nhiều. Trong quá trình hội nhập, không thể không đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhưng những năm tháng trải “thảm đỏ” để mời chào đầu tư với bất cứ giá nào nay đã qua. Đã đến lúc cần có sự chọn lọc, phân loại và đánh giá thật kỹ càng và thực chất các nguồn FDI. Nếu không làm tốt việc này, không đợi đến mai sau con cháu trách oán, mà ngay bây giờ tác hại khôn lường của nó đã rành rành trong mọi lĩnh vực đời sống, xã hội.
Con số và suy ngẫm
Lê Hà