Sáng ngày 16/12/2023, Tổng Công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2023.
Theo ông Hòa, năm 2022, các hãng hàng không phải đối mặt với khó khăn, thách thức khi chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt là chi phí nhiên liệu. Mức giá nhiên liệu bình quân năm 2022 là 124,4 USD/thùng, cao hơn 14,1 USD/thùng so kế hoạch (110,26 USD/thùng), khiến chi phí nhiên liệu năm 2022 tăng do giá khoảng 2.482 tỷ.
Năm 2022 cũng là năm đồng USD tăng giá mạnh nhất so với các đồng tiền bản tệ trong 2 thập kỷ. Tất cả các đồng tiền bản tệ chính trong giỏ tiền tệ của VNA đều mất giá mạnh so với đầu năm (bình quân năm 2022, tỷ giá đồng EUR -4,50%, JPY -13,22%, KRW -7,33%, CNY -6,18 %, GBP -8,11 % so với tỷ giá kế hoạch).
Tỷ giá USD/VND tương đối bình ổn trong 5 tháng đầu năm, tuy nhiên cũng bắt đầu chịu áp lực tăng mạnh từ cuối quí II và biến động rất dữ dội trong các tháng cuối năm. Sau khi tăng lên mức cao nhất khoảng 24.900 VND (đầu tháng 11/2022) tỷ giá lại giảm mạnh liên tiếp trong tháng cuối năm về quanh mức 23.500 VND.
Đặc biệt, 2022 còn là năm chứng kiến nhiều biến động lớn về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu. Khi thị trường vận tải hàng không quốc tế mới chỉ được mở cửa trở lại chính thức từ 15/03, nhiều quốc gia vẫn chưa gỡ bỏ hoàn toàn các quy định về nhập cảnh, cách ly và hành khách vẫn còn tâm lý e ngại khi di chuyển. Thị trường lớn Trung Quốc đóng băng do chính sách “zero - COVID”, và ngay sau đó là xung đột chính trị giữa Nga - Ukraine cùng với nguy cơ tiềm ẩn suy thoái kinh tế Châu Âu.
Trong bối cảnh đó, tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines vẫn đạt 71.775 tỷ đồng, cao hơn 20% so với kế hoạch, gấp 2,4 lần kết quả năm 2021. Hãng cũng đã thực hiện vận chuyển 18,24 triệu lượt hành khách, vượt 7,5% so kế hoạch.
Trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều bất lợi, Vietnam Airlines đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ứng phó.
Vietnam Airlines đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa so với thời điểm trước dịch và khai thác trở lại hơn 70% số đường bay quốc tế. Kết thúc năm 2022, Vietnam Airlines có mạng đường bay quốc tế gồm 44 đường bay đến 25 điểm thuộc 16 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Vietnam Airlines cũng thực hiện giải pháp cắt giảm chi phí, triệt để tiết kiệm. Tổng chi phí cắt giảm trong năm 2022 đạt xấp xỉ 7.226 tỷ đồng.
Bước sang năm 2023, sau khi hàng loạt các quốc gia mở cửa hoàn toàn, các đường bay nội địa và quốc tế thường lệ đến các nước được nối lại đã giúp ngành hàng không duy trì hoạt động vận chuyển hành khách, cân đối được dòng tiền trong ngắn hạn.
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết: “Để vượt qua thách thức, nắm bắt các cơ hội phục hồi và phát triển, Vietnam Airlines đã xây dựng các kế hoạch và giải pháp đồng bộ trên mọi lĩnh vực. Trong đó, hãng đặc biệt chú trọng triển khai đề án tái cơ cấu, với các giải pháp hướng đến mục tiêu cân đối được thu chi kinh doanh từ năm 2024 và hướng tới kinh doanh có lãi vào năm 2025”.
Theo VTCNews.vn