Thứ Sáu, 22/11/2024 18:28:07 GMT+7
Lượt xem: 1932

Tin đăng lúc 23-04-2022

Để CNHT trong nước phát triển cần điều chỉnh chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp CNHT Việt Nam

Ngày 22/4, Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA) đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần 1 năm 2022.
Để CNHT trong nước phát triển cần điều chỉnh chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp CNHT Việt Nam
Ông Nguyễn Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành CNHT TP.Hà Nội (HANSIBA) phát biểu tại Hội nghị

 

Tại hội nghị, các doanh nghiệp có chung ý kiến, hiện việc phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên địa bàn TP Hà Nội gặp nhiều khó khăn, do chi phí thuê mặt bằng sản xuất, nhân công lao động, những dịch vụ khác tại Hà Nội cao, khiến sản phẩm CNHT của TP Hà Nội mất đi khả năng cạnh tranh về giá so các tỉnh, thành lân cận. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của doanh nghiệp khi chọn TP Hà Nội làm địa điểm đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT. Trong khi đó, các điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn của các ngân hàng quá khắt khe nên doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay.

 

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Quý Khả – Phó Chủ tịch HANSIBA, Chủ tịch Công ty CP Cơ điện Toàn Cầu (TOMECO) cho biết, doanh nghiệp sản xuất cơ khí đầu tư trung và dài hạn như Tomeco đang gặp khó với chính sách cho vay với lãi suất 6% từ ngân hàng. “Các doanh nghiệp chúng tôi mong muốn nhận được gói hỗ trợ với lãi suất dao động từ 4 -5 % và có thể tiếp cận giải ngân, vay vốn ODA để đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc công nghệ nước ngoài về sản xuất các sản phẩm linh kiện thuộc ngành CNHT và CNHT cho công nghệ cao.” – ông Khả nhấn mạnh.

 

Theo Phó Chủ tịch HANSIBA Nguyễn Vân, hiện nay, một số chính sách phát triển CNHT đã được ban hành, nhưng chậm so với thực tiễn, chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT phát triển. “Hiện các quy định chứng nhận doanh nghiệp CNHT rất phức tạp, nên rất ít đơn vị được công nhận dẫn đến việc việc tiếp cận chính sách ưu đãi phát triển CNHT của Nghị định 111/NĐ-CP CNHT về ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu phát triển CNHT không hề dễ dàng” – ông Nguyễn Vân cho biết.

 

Để khắc phục những bất cập này các doanh nghiệp có chung kiến nghị, thời gian tới Chính phủ cần điều chỉnh chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp CNHT Việt Nam, trong đó tập trung vào hạ tầng đất đai – nhà xưởng, thuế, tiếp nhận công nghệ mới và chuỗi sản xuất toàn cầu; Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam qua đó giảm thiểu nhập khẩu linh kiện.

 

“Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước cần khẩn trương hướng dẫn doanh nghiệp CNHT tiếp cận vốn vay ODA trong quá trình mở rộng đầu tư, mua sắm thiết bị, máy móc, công nghệ từ các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc từ đó sản xuất sản phẩm CNHT công nghệ cao” – Chủ tịch HANSIBA Nguyễn Hoàng kiến nghị.

 

Du Công


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang