Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, GRDP của TP. Hà Nội tăng 5,97%; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt 2,26 tỷ USD, tăng 200% so với cùng kỳ, đứng đầu cả nước trong 6 tháng đầu năm; có 18,3 nghìn doanh nghiệp (DN) thành lập mới với số vốn đăng ký 177,5 nghìn tỷ đồng. Tính đến nay, trên địa bàn TP. Hà Nội có khoảng 960 DN CNHT, với trên 320 DN có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.
Mới đây, trong khuôn khổ Hội chợ CNHT TP. Hà Nội năm 2023, tại Hội thảo “Xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, CNHT”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, ngành CNHT đã góp phần hiệu quả trong việc khai thác nguồn lực, giảm nhập khẩu, hạn chế xuất khẩu tài nguyên và các sản phẩm chế biến thô, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm công nghiệp. Đồng thời ngành cũng giúp giảm nhập siêu, bảo đảm cân bằng xuất - nhập khẩu; mở rộng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; phát triển hệ thống DN nhỏ và vừa.
Trong những năm qua, TP. Hà Nội đã ban hành nhiều quyết định, chương trình, kế hoạch nhằm mục đích đẩy mạnh phát triển ngành CNHT; từng bước hình thành mạng lưới sản xuất với nhiều lớp cung ứng, kết nghiệp nối với các tập đoàn đa quốc gia, các DN FDI, các DN sản xuất, lắp ráp tại Hà Nội và cả nước, phát triển thị trường xuất khẩu.
Các chương trình, hoạt động của Hà Nội đã kịp thời hỗ trợ các DN ngành CNHT phát huy năng lực, thế mạnh, tận dụng lợi thế của các Hiệp định Thương mại tự do; Hiệp định Thương tại tự do Việt Nam - Liên minh Châu âu (EVFTA); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… tiếp cận làn sống dịch chuyển các nhà máy sản xuất của các DN nước ngoài về khu vực Đông Nam Á; tạo điều kiện để các DN đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, liên kết, hợp tác đầu tư sản xuất kinh doanh, tham gia vào các chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng trong nước và quốc tế.
Các cơ chế chính sách phát triển CNHT của Hà Nội đã được triển khai rộng khắp đến các DN và đã đem lại hiệu quả tích cực. Điều này được minh chứng qua việc các DN CNHT trên địa bàn Thành phố liên tục tăng lên cả về số lượng, quy mô, chất lượng, lĩnh vực ngành nghề. Sự gia tăng tập trung chủ yếu vào 3 nhóm, gồm: Sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy, cơ khi chế tạo, điện - điện tử; Sản phẩm phục vụ ngành Dệt may - Da giày; Sản phẩm cho công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo sử dụng các loại linh kiện trên. Trong đó, có rất nhiều DN có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, dù năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận là ngành CNHT của Hà Nội và cả nước hình thành và phát triển muộn hơn so với các nước trong khu vực, quá trình này đòi hỏi cần phải có những định hướng, cơ chế chỉnh sách, giải pháp đúng và đủ mạnh để phát triển theo kịp các nước trong khu vực và thế giới.
Hà Nội đang có nhiều biện pháp khuyến khích đối với các doanh nghiệp CNHT
Để thúc đẩy ngành CNHT trong nước nói chung và Hà Nội nói riêng phát triển, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tăng cường kết nối DN đầu tư nước ngoài và khu vực DN trong nước. Bởi thực tế hiện nay, các DN trong nước còn khá dè dặt trong việc tiếp cận với các DN có vốn đầu tư nước ngoài, một số DN chỉ coi các DN đầu tư nước ngoài như đối tác cạnh tranh chứ chưa chủ động tìm kiếm các cơ hội liên kết từ các DN nước ngoài.
Bởi vậy, để thúc đẩy liên kết hai khu vực DN này, cần phải nâng cao vai trò cầu nối của Nhà nước trong việc xây dựng những mô hình liên kết phù hợp, thúc đẩy nâng cao vai trò trách nhiệm của DN đầu tư nước ngoài trong việc hỗ trợ, kết nối với DN trong nước. Cùng với đó, bản thân các DN trong nước phải có những đột phá về công nghệ nguồn, công nghệ cao cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó có đủ lực liên kết chặt chẽ với DN nước ngoài, đồng thời trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: “Với định hướng phát triển CNHT giai đoạn 5 năm 2021-2025 và đến năm 2030 trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp, trọng tâm là phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo và CNHT”.
Theo đó, Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Công Thương, các sở ngành, đơn vị liên quan triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành CNHT thông qua nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN; kết nối DN tham gia các chuỗi sản xuất kinh doanh, cung ứng; hỗ trợ DN tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm, chuyển đổi số, thuê chuyên gia nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực…
Có thể nói, CNHT phát triển sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng các chỉ số phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, và tăng trưởng GRDP đạt mục tiêu đặt ra của năm 2023. TP. Hà Nội sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các DN ngành CNHT để DN có thể tiếp cận được nguồn vốn, công nghệ cũng như kết nối trực tiếp và trực tuyến với đối tác, khách hàng trong và ngoài nước.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp ngành CNHT Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân, phát triển và hỗ trợ các DN hội viên trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm và nâng cao nguồn nhân lực là một trong những mục tiêu trọng tâm của HANSIBA riêng trong năm 2023. HANSIBA đang nỗ lực giúp các DN cùng phát triển bằng việc kết nối các DN có được bạn hàng trong nước và quốc tế.
TP. Hà Nội cũng sẽ thuê chuyên gia tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho DN CNHT thuộc các ngành nghề, lĩnh vực, mặt hàng sản xuất thuộc danh mục sản phẩm ưu tiên phát triển; hỗ trợ DN áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN, quản trị sản xuất. Thành phố cũng sẽ hỗ trợ DN tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm (bao gồm cả chuyển đổi số); nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu…
Minh Lê