Sản phẩm "ngoại" giá rẻ
Một chiếc áo sơ mi hiệu Polo màu sáng với kiểu dáng phù hợp phong cách của người Việt tại siêu thị Aeon (quận Long Biên) hiện được bán với giá gần 150.000 đồng, chỉ bằng khoảng 1/6 so với mức giá của các thương hiệu nước ngoài khác. Tại siêu thị Aeon, nhãn hiệu dành riêng cho thị trường Việt Nam có hơn 100 mặt hàng, trong đó chủ yếu là quần áo, giày dép, túi xách, ví... Mặc dù cửa hàng này được xây dựng theo tiêu chuẩn và chất lượng Nhật Bản, nhưng các sản phẩm tại đây lại được làm ra bởi các doanh nghiệp địa phương.
Từ chuyện chiếc áo Polo kể trên cho thấy, Aeon cũng như các "đại gia" bán lẻ Lotte Mart, Big C... đang tìm cách tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do tại khu vực Đông Nam Á để bán các sản phẩm phổ biến, có giá phải chăng từ các thương hiệu riêng trong nước sở tại, trong đó có Việt Nam. Ngay khi có mặt tại Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài đã xây dựng chiến lược nhãn hàng riêng, chủ yếu là thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, đồ gia dụng, thời trang. Giá bán các sản phẩm này thường rẻ hơn khoảng 30% so với món hàng có cùng chủng loại, thương hiệu, nhằm thu hút sự chú ý của người mua, muốn dùng hàng chất lượng bảo đảm, hình thức bắt mắt, nhưng không tốn quá nhiều tiền.
Lý giải về việc giá hàng hóa có nhãn riêng luôn rẻ, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) cho biết, những nhà đầu tư lớn có lợi thế về kênh phân phối riêng, không mất nhiều chi phí quảng bá sản phẩm mà người tiêu dùng vẫn dễ tiếp cận, trong khi toàn bộ sản phẩm đều giao cho doanh nghiệp bên ngoài gia công.
Theo Bộ Công Thương, hiện các doanh nghiệp Thái Lan cũng đang tăng cường tiếp cận thị trường Việt Nam thông qua các chuỗi bán lẻ như Metro, Big C, B’s mart… Đáng chú ý, sau một thời gian, giá bán của các sản phẩm có xu hướng giảm mạnh. So sánh giá có thể thấy, giá các sản phẩm của Thái Lan trên kệ hàng siêu thị rất cạnh tranh với các sản phẩm trong nước.
Thậm chí, còn rẻ hơn các đại lý bên ngoài. Cụ thể, một cửa hàng bán đồ Thái Lan tại phố Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng) bán sản phẩm bột giặt Pao Thái Lan giữ màu 4kg với giá 180.000 đồng, đắt hơn siêu thị 50.000 đồng. Hay như sản phẩm nước xả vải Hygiene 1,8 lít cũng được bán với giá 85.000 đồng, cao hơn 30.000 đồng so với siêu thị…
Không chỉ thâu tóm kênh phân phối, các thương hiệu Thái Lan còn đẩy mạnh khâu sản xuất tại Việt Nam. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cảnh báo, doanh nghiệp Thái Lan đang thực hiện chiến lược vừa chiếm lĩnh thị trường phân phối bán lẻ, vừa đẩy mạnh sản xuất tại Việt Nam để tạo ra chuỗi kinh doanh khép kín. Đơn cử, trứng gà, thịt gà tại các siêu thị lớn chủ yếu do Công ty chăn nuôi C.P Việt Nam (công ty con của Tập đoàn C.P đến từ Thái Lan) cung cấp với quy trình sản xuất khép kín từ sản xuất thức ăn đến xây dựng trang trại, chế biến thực phẩm…
Lo lắng trước sự lấn át của các mặt hàng ngoại nhập giá rẻ, bà Nguyễn Minh Trang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất bao bì Hiền Lương (Phố Nối, Hưng Yên) chia sẻ, trong giai đoạn này, nếu doanh nghiệp chỉ làm ra sản phẩm tốt, giá rẻ thì chưa chắc thành công. Đó cũng là lý do hiện có nhiều doanh nghiệp Việt chấp nhận bỏ sản xuất, chuyển sang nhập khẩu, phân phối hàng Thái Lan để hưởng mức lợi nhuận 20-30%, thuận lợi hơn nhiều so với việc đầu tư sản xuất mà không tìm được đầu ra.
Đổi mới để cạnh tranh
Tổng công ty May 10 liên kết với các nhà phân phối cho ra những sản phẩm giá cả hợp lý phục vụ người tiêu dùng. Ảnh: Bá Hoạt
Hiện nay, "làn sóng" hàng Nhật Bản, Thái Lan ngày một lớn, có sức cạnh tranh mạnh đang đặt ra những thách thức lớn cho hàng hóa Việt trên "sân nhà". Đặc biệt, trong bối cảnh, người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến những mặt hàng của Thái Lan, Nhật Bản vì yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, giá cả đều được đáp ứng.
Tại sao các sản phẩm hàng ngoại nhập đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc được người Việt rất tin dùng? Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chia sẻ: “Cứ nhìn cung cách phục vụ của họ tại các siêu thị Nhật Bản, Thái Lan… thì biết. Thái độ ứng xử của họ rất ân cần, coi khách hàng là thượng đế. Còn chúng ta, mặc dù sản phẩm hàng hóa Việt đã ngày càng nâng lên về chất lượng, giá cả tương đối hợp lý, nhưng khâu dịch vụ vẫn "mất điểm"...”.
Dù chưa tác động nhiều, nhưng giá các mặt hàng ở thị trường trong nước đang chịu ảnh hưởng từ chính sách cạnh tranh của các hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Thời gian tới, sự cạnh tranh sẽ còn gay gắt hơn bởi các doanh nghiệp ASEAN có sự chuẩn bị tốt hơn, lại có chiến lược thâm nhập thị trường Việt bài bản nhờ sự dẫn dắt của các công ty bán lẻ ưu tiên phân phối hàng nước họ.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhận định, thuế nhập khẩu về 0% sẽ tác động đến giá hàng hóa nhập khẩu. Tuy từng mặt hàng có thuế suất khác nhau, nhưng sẽ tạo ra sự cạnh tranh lớn vì hàng nhập khẩu vốn giá thành rẻ, lại được miễn thuế, từ đó bắt buộc các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh quyết liệt với hàng "ngoại" ngay trên "sân nhà".
"Để không bị hàng "ngoại" cùng chủng loại lấn lướt, doanh nghiệp Việt cần từng bước tổ chức lại sản xuất, đầu tư khoa học, công nghệ, tổ chức tốt hệ thống phân phối và cùng nhau liên kết tạo sức mạnh trước ngưỡng cửa hội nhập. Từ đó, mới có thể vươn lên cạnh tranh và lấy lại niềm tin của người tiêu dùng" - bà Phương Lan nhận định.
Ngoài ra, doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải liên kết, cải cách toàn diện, sản xuất ra những hàng hóa có chất lượng, giá thành hạ... "Không thể kêu gọi người Việt dùng hàng Việt khi sản phẩm không tốt và giá cũng không hợp lý" - chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú khẳng định.
Nguồn Hanoimoi