Nhiều sản phẩm có thể tham gia thị trường lớn
Theo Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Hải Phòng), vùng chăn nuôi của thành phố ngày càng mở rộng với 140 trang trại chăn nuôi lợn, 360 trang trại chăn nuôi gà quy mô lớn; hàng trăm nghìn hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ... Sản phẩm chăn nuôi của thành phố bước đầu đáp ứng yêu cầu cung ứng thực phẩm cho người dân trong thành phố. Một số trang trại chăn nuôi với quy mô lớn, bước đầu đáp ứng yêu cầu xuất khẩu lợn thịt sang một số nước châu Á.
Trong cơ cấu ngành nông nghiệp, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của thành phố gần đây có sự gia tăng đáng kể. Năm 2005, tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp mới chỉ đạt 34%, đến nay chiếm hơn 50%. Hiện nhiều hộ chăn nuôi lợn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tạo giống nuôi, thức ăn, cải tiến hình thức nuôi chủ yếu là công nghiệp và bán công nghiệp. Vì vậy, sản lượng thịt cung ứng ra thị trường tăng dần qua các năm. Chăn nuôi gia cầm có sự chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm có chất lượng cao như gà Liên Minh, Đông Tảo lai, siêu trứng... Năm 2015, tổng đàn gia cầm trên địa bàn thành phố tăng 2,6% so với năm 2014. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 4722 tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm trước.
Thành phố quy hoạch một số vùng chăn nuôi tập trung ở các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, Thủy Nguyên, An Lão, An Dương... Tại các vùng này, quy mô nuôi của các trang trại, gia trại ngày càng mở rộng. Đặc biệt, người chăn nuôi bước đầu hướng tới sản xuất theo quy trình sạch. Tại các vùng chăn nuôi như Quang Phục, Khởi Nghĩa (Tiên Lãng), Nam Sơn, Bắc Sơn (An Dương), Việt Tiến (Vĩnh Bảo)... nhiều hộ chăn nuôi tham gia các nhóm Viet Gap, áp dụng quy trình sản xuất sạch cho các sản phẩm chăn nuôi. Trong năm 2015, thành phố khuyến khích, đầu tư kinh phí cho các hộ chăn nuôi sử dụng công nghệ đệm lót sinh học, bảo đảm an toàn, vệ sinh cho đàn lợn và gia cầm, toàn thành phố có 1780 hộ chăn nuôi đã sử dụng đệm lót Balasa N01.
Tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm
Trưởng Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp – PTNT) Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, sản phẩm chăn nuôi của thành phố có thể đáp ứng tiêu chuẩn thị trường TPP, nhưng chặng đường tiếp cận thị trường này không dễ, bởi chi phí đầu vào chăn nuôi hiện nay quá cao so với các nước trong khu vực. Nhiều vùng chăn nuôi mặc dù đã sản xuất theo quy mô khá lớn, nhưng vẫn khó hướng tới sản xuất hàng hóa, đủ yêu cầu để cạnh tranh xuất khẩu. Yêu cầu của thị trường TPP với các quy định rất chặt chẽ, khắt khe. Tuy nhiên, thực tế cơ sở vật chất phục vụ cho chăn nuôi ở địa phương còn hạn chế. Đặc biệt, người chăn nuôi chưa vững tâm lý để mở rộng đầu tư sản xuất do thị trường đầu ra bấp bênh, không ổn định, nguồn vốn hạn hẹp, thường gặp rủi ro bởi điều kiện thời tiết, môi trường sống, dịch bệnh...
Theo đại diện Chi cục Quản lý chất lượng Nông – Lâm – Thủy sản (Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn), Hải Phòng không thiếu sản phẩm chăn nuôi có thể tham gia vào thị trường TPP. Tuy nhiên, phải có sự chuẩn bị với từng bước đi vững chắc, người chăn nuôi phải tuân thủ các biện pháp sản xuất bảo đảm chất lượng. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Hải Phòng giao trách nhiệm cho Chi cục Quản lý chất lượng Nông – Lâm – Thủy sản phối hợp với các sở, ngành chức năng, địa phương tăng cường công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản; trong đó đặc biệt lưu ý sản phẩm chăn nuôi từng bước bảo đảm yêu cầu chất lượng sản phẩm khi tham gia vào TPP.
Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Hải Phòng Nguyễn Văn Kiểm cho rằng, tham gia vào TPP đem lại nhiều thuận lợi, người chăn nuôi sẽ ý thức hơn được việc sản xuất không chỉ đáp ứng được yêu cầu của thị trường thành phố, trong nước mà vươn xa hơn ở tầm các nước khu vực. Để rút ngắn chặng đường này, người chăn nuôi cần tăng cường học hỏi, tiếp cận kỹ thuật mới, đáp ứng yêu cầu sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy định. Những năm qua, thành phố quan tâm hỗ trợ nông dân phát triển trang trại chăn nuôi trên địa bàn. Tuy nhiên, theo ông Kiểm, sự hỗ trợ này khá dàn trải, sẽ khó có điều kiện để các hộ dân tiếp cận, đủ nguồn kinh phí phát triển chăn nuôi theo sản xuất lớn. Vì vậy, thời gian tới, để ngành chăn nuôi đủ sức tham gia thị trường TPP, các cơ chế chính sách khuyến khích, đầu tư của thành phố nên tập trung trọng tâm, trọng điểm thay vì đầu tư nhỏ, lẻ, chia đều. Như vậy, các vùng chăn nuôi sẽ có điều kiện để đầu tư nâng cao chất lượng, hướng tới sản xuất hàng hóa, người chăn nuôi yên tâm sản xuất sản phẩm nông nghiệp đủ đáp ứng yêu cầu thị trường TPP.
Nguồn: baohaiphong.com.vn