Hiện, Việt Nam là nước sản xuất giày dép đứng thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu. Da giày là ngành tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định EVFTA, CPTPP. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn của ngành da giày là công nghiệp hỗ trợ cung ứng nguyên liệu chưa phát triển.
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso cho biết, hiện nay các doanh nghiệp da giày mới chủ yếu tập trung vào gia công mà không phát triển khâu nguyên phụ liệu. Nên phần lớn nguyên liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Vì vậy, việc đáp ứng tỷ lệ xuất xứ nội khối theo yêu cầu của các FTA là một trở ngại lớn.
Bên cạnh đó, các quốc gia nhập khẩu giày dép lớn đưa ra hàng loạt các yêu cầu mới ngày càng cao với sản phẩm nhập khẩu như trách nhiệm xã hội, môi trường, vấn đề truy xuất, minh bạch chuỗi cung ứng…. cũng có tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp trong ngành.
Muốn tiếp tục phát triển ngành da giày trong giai đoạn sắp tới, cần có những giải pháp đột phá để nâng cấp chuỗi giá trị ngành nhằm tạo ra những lợi ích bền vững. Và để làm được điều này, theo Chủ tịch Lefaso, ngành da giày cần nhanh chóng cải thiện và minh bạch thông tin chuỗi cung ứng sản phẩm của mình bắt đầu từ khâu nguyên liệu, sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm với xã hội và môi trường.
Đặc biệt cần phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch bằng việc xây dựng khu Trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu và đổi mới sáng tạo ngành thời trang Việt Nam. Trung tâm này sẽ là nơi tập trung mẫu, phân phối nguyên phụ liệu, đầu tư, chuyển giao công nghệ và giao dịch giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, giúp gỡ được nút thắt về nguyên phụ liệu. Có như vậy mới giúp các doanh nghiệp trong ngành da giày, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội vươn lên và tham gia vào chuỗi cung ứng ngành.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, với Trung tâm dệt may, da giày hiện đã có đủ điều kiện cần và đủ để xây dựng, Cục Công nghiệp hoàn toàn ủng hộ. Bản thân Nghị quyết 115 đã giao những ưu đãi đề án và chính sách hỗ trợ, nên việc phát triển trung tâm theo hình thức nào, cần hỗ trợ những gì thì Hiệp hội và các doanh nghiệp cần làm rõ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng nhất trí với kiến nghị thành lập Trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang Việt Nam tại Bình Dương. Đồng thời giao Cục Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc bộ phối hợp với hiệp hội nghiên cứu, đề xuất xây dựng đề án này./.
Nhuận Chí