Ngành dệt may đang chịu ảnh hưởng lớn bởi sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU. 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt đạt 18,6 tỷ USD giảm 17,6% so với cùng kỳ 2022. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD giảm 20,5% và xuất siêu 7,9 tỷ USD (cùng kỳ 2022: 8,8 tỷ USD). Mức giảm sâu này không chỉ bởi tác động bởi kinh tế toàn cầu, mà còn đến từ áp lực “xanh hóa” của ngành.
Hướng mục tiêu vào thị trường nội địa
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) dự báo, tình hình sản xuất, xuất khẩu dệt may sẽ cải thiện dần nhưng khó khăn sẽ còn kéo dài hết năm 2023, do nhiều DN đến nay chưa đủ đơn hàng cho quý III và quý IV/2023. Bên cạnh việc thiếu đơn hàng, chấp nhận sản xuất đơn hàng không phải thế mạnh của mình, các DN còn phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50% so với các năm trước.
Thông tin từ phía các DN dệt may cũng cho thấy nhiều tín hiệu ảm đạm. ông Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP M2 Việt Nam chia sẻ, 2023 được dự đoán là năm đầu tiên của 5 năm suy thoái kinh tế toàn cầu. Thời trang M2 cũng như nhiều DN dệt may khác gặp phải nhiều những thách thức lớn, đòi hỏi phải có những hướng đi sáng tạo và quyết đoán hơn để tránh phụ thuộc vào đơn hàng xuất khẩu.
“Việc đẩy mạnh các biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước được DN xác định là đòn bẩy kinh tế hữu hiệu nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho chính DN cũng như khôi phục kinh tế. Khai thác thị trường nội địa với sức mua 100 triệu dân chính là bệ đỡ giúp DN duy trì sản xuất kinh doanh”, ông Đường nói.
Thực tế thời gian qua, để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng, đồng thời hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Công ty CP M2 Việt Nam liên tục hợp tác với khoảng 200 nhà cung cấp nội địa, với hàng trăm nghìn sản phẩm các loại phân phối tại 20 trung tâm thời trang ở trong và ngoài nước. Cùng với phương châm nâng cao chất lượng sản phẩm, M2 thường xuyên xem xét lại năng lực của các nhà cung cấp, chọn bạn đồng hành với nhà cung cấp có nguồn hàng dồi dào, xuất xứ rõ ràng, sản phẩm chất lượng, mẫu mã đa dạng và mức giá cạnh tranh.
“Việc đẩy mạnh hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng các cửa hàng nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa được xác định là đòn bẩy kinh tế hữu hiệu, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN, góp phần khôi phục tăng trưởng kinh tế", ông Nguyễn Hải Đường chia sẻ.
Điểm nổi bật là đảm bảo việc làm cho người lao động được M2 tình đến bằng cách điều chỉnh kế hoạch SXKD phù hợp với thực tế, bởi DN xác định nếu không bỏ lợi nhuận và chấp nhận lỗ sẽ mất lao động có tay nghề. Đến nay, trong bối cảnh khó khăn song DN không để cho công nhân phải nghỉ việc, bảo đảm thu nhập cho người lao động khoảng 7 triệu đồng/người/tháng; đối với lao động thời vụ cũng có thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự như M2, trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, Tổng công ty CP May 10 cũng đang xác định khai thác sâu hơn thị trường nội địa. Trong đó tập trung chính vào dòng thời trang công sở; khai thác dòng thời trang cao cấp dành cho nữ giới và thời trang nam cho giới trẻ đồng thời mở thêm chuỗi cửa hàng bán lẻ cả online và offline.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty CP May 10 chia sẻ, để đáp ứng sản phẩm thời trang bán lẻ trên thị trường nội địa, May 10 hiện có hơn 20 nhãn hiệu các loại như May10 Expert, May10 Classic, Eternity GrusZ, Cleopatra,... với 60 cửa hàng, trung tâm thời trang và hơn 200 đại lý trên toàn quốc.
Tăng cường vai trò cầu nối
Xác định khó khăn năm 2023, toàn ngành dệt may đặt mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 39 - 40 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu này, các DN trong ngành xác định và chú trọng 3 vấn đề cốt lõi. Một là tìm giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt. Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Hai là giữ chân khách hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động và để khách hàng không chuyển dịch thị trường; Xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài đồng thời khai thác thị trường mới, quan tâm thị trường nội địa. Ba là tiết giảm tối đa các chi phí chưa thực sự cần thiết.
Đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò kết nối DN với DN; DN với nhãn hàng; DN với Chính phủ. Đồng thời phối hợp tích cực với các tổ chức quốc tế uy tín để triển khai các chương trình về an toàn lao động, năng lượng xanh, tuần hoàn tái chế, chuyển đổi số, thiết kế, xây dựng thương hiệu, quản trị nhân lực… Song song với đó là tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, tạo cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm khách hàng cho các DN.
“VITAS sẽ luôn đồng hành cùng DN trong việc phản ánh, đề xuất kiến nghị, kêu gọi sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương về các vấn đề liên quan đến người lao động, giải pháp giữ chân khách hàng cũng như hỗ trợ giảm chi phí cho DN. VITAS luôn phát huy vai trò là cầu nối hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước với khối DN dệt may, nâng cao nhận thức phát triển ngành theo hướng xanh - sạch - bền vững”, đại diện VITAS nêu rõ.
Theo VOV