Thứ Bẩy, 23/11/2024 08:00:14 GMT+7
Lượt xem: 3129

Tin đăng lúc 08-07-2018

Di sản và thị trường

Tranh Đông Hồ (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) sắp được lập hồ sơ để “đi” UNESCO. Với nhiều nét độc đáo về nghệ thuật, kỹ thuật, với sự trao truyền qua nhiều thế hệ..., khi trình UNESCO, khả năng một lần nữa tranh Đông Hồ sẽ đem “vinh quang” về cho văn hóa Việt – danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là rất cao.
Di sản và thị trường
Tranh Đông Hồ

Nhưng thực tình, tôi không biết mình nên vui hay buồn. Hạng mục mà Việt Nam đăng ký “giật giải” lại là di sản cần bảo vệ khẩn cấp. Nói vui như một số người, bảo tồn không xong, nên ta phải đi... cầu cứu quốc tế. Xong, danh hiệu của UNESCO có “cứu” được tranh làng Hồ như từng xảy ra với hát Xoan Phú Thọ hay không thì vẫn dừng lại ở hy vọng.

 

Khác với những di sản vật thể như đình, đền, chùa..., di sản phi vật thể có mối quan hệ cơ hữu với cuộc sống hơn rất nhiều. Di sản văn hóa phi vật thể là cái vô hình. Nó tồn tại thông qua hoạt động của một cộng đồng nhất định, có thể là truyền miệng, truyền nghề, hay lưu giữ tri thức nào đó... Cộng đồng đó là chủ thể của di sản. Như di sản văn hóa quan họ, tồn tại thông qua hoạt động của các nghệ nhân, của dân cư vùng Bắc Ninh – Kinh Bắc; văn hóa cồng chiêng được lưu giữ bởi nghệ nhân, cộng đồng dân tộc Tây Nguyên...

 

Chủ thể thường đóng vai trò quyết định với sự tồn vong của di sản. Nhưng với nhiều di sản, vai trò của khách thể quan trọng không kém. Ca trù là một thí dụ. Với quan họ, cộng đồng thực hành, và chính cộng đồng dân cư khai sinh ra nó hưởng thụ. Hát hay không hát quan họ không liên quan đến đời sống kinh tế của người thực hành. Còn ca trù mang tính chuyên nghiệp. Nghệ nhân ca trù xưa nay hát và sống bằng tiền mà các vị khách chi trả. Ca trù là một thứ nghề. Nếu không bán được sản phẩm, “bán” được giọng hát, tiếng đàn, người nghệ nhân sẽ phải tìm kế sinh nhai khác. Và khi tình trạng này xảy ra trên diện rộng, nguy cơ để mất là tất yếu.

 

Tương tự với tranh Đông Hồ. Người thợ làm tranh Đông Hồ sống bằng bán tranh. Muốn sống được, thì tranh phải có người mua. Nói cách khác, với những di sản mà người nghệ nhân sống bằng sản phẩm của mình, khách thể đóng vai trò quan trọng không kém chủ thể.

 

Nhiều di sản có mối quan hệ chặt chẽ với thị trường, nhất là ở loại hình các nghề truyền thống. Ở làng Đông Hồ, không phải ai cũng thích làm vàng mã để rồi quanh năm bị báo chí phê phán. Nếu tranh bán được, người ta sẽ bỏ vàng mã.

 

Chúng ta thường rất mau đưa ra những lời chê bai, nhất là việc thực thi các biện pháp bảo tồn. Thực tế, Nhà nước có thể hỗ trợ một vài mô hình sản xuất tranh Đông Hồ, nhưng không phải cả làng. Sản phẩm làm ra sẽ đi đâu, về đâu? Ngay trong số những người yêu di sản, thường hay lên tiếng bảo vệ tranh Đông Hồ, có bao nhiêu người mua và treo tranh Đông Hồ? Bao lâu lại mua một bức tranh mới? Sản phẩm tranh Đông Hồ, rõ ràng, đang không có thị trường.

 

Tranh Hàng Trống có tính độc bản cao, người thợ phải vẽ tay rất nhiều công đoạn, một bức tranh Hàng Trống có giá trị khá cao, có thể lên đến vài triệu đồng. Một thị trường nhỏ cũng có thể giúp nghệ nhân Hàng Trống sống được với nghề. Tranh Đông Hồ là tranh in loạt, bán giá rẻ, chỉ khoảng 20 – 30 nghìn đồng/bức. Muốn sống được, người thợ làm tranh cần một thị trường tiêu thụ lớn hơn rất nhiều.

 

Cũng cần nói thêm rằng, trước kia, khách hàngmua tranh, rồi dán tranh Đông Hồ lên tường, lên vách vào dịp Tết. Được một thời gian thì bóc bỏ đi.Vì thế, năm nào người ta cũng cần mua tranh mới. Làng Hồ sống được bằng nghề tranh chính vì một thị trường như thế.

 

 

Khung tranh treo Tết, một sự đổi mới nho nhỏ của tranh Đông Hồ.

 

Bây giờ thị trường đã thay đổi. Ít người treo tranh Đông Hồ đã đành. Thẩm mỹ ngày nay cũng khác xa thời xưa. Điều kiện kinh tế hơn xưa rất nhiều. Phòng khách các gia đình đều đẹp hơn. Nếu mua tranh Đông Hồ, người ta sẽ sử dụng ra sao? Thói quen dán tranh lên tường dịp đầu năm không còn. Trong khi đó, thật khó thuyết phục khách hàng treo những bức tranh Đông Hồ trị giá khoảng vài chục nghìn, kích thước mỗi bề hơn một gang tay làm đồ trang trí cho những phòng khách sang trọng!

 

Di sản cần được bảo tồn càng sát nguyên gốc bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Nhưng với những loại hình di sản gắn bó với thị trường như tranh Đông Hồ, có lẽ, cần nhìn rộng hơn trong cái nhìn phát triển. Đừng hy vọng một ngày nào đó sống dậy cả làng tranh. Thời xưa, người ta có ít lựa chọn trong trang trí nhà cửa, tranh Đông Hồ có “đất diễn”. Thời nay thì quá nhiều. Song song với gìn giữ cách thức truyền thống, sản xuất hàng giá rẻ, tranh Đông Hồ cần có những đổi thay để tiếp cận thị trường hiện tại. Chẳng hạn, từ những đặc trưng kỹ - mỹ thuật vốn có, cho ra đời những dòng sản phẩm cao cấp, bức tranh có giá trị lâu dài, có thể đi vào trang trí nội thất những công trình sang trọng; hay có những đổi mới để thích ứng.

 

Khác với tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống đang “sống khỏe”. Nghệ nhân Lê Đình Nghiên làm không hết việc. Rất nhiều người muốn theo học nghề. Đặc điểm tranh khổ lớn, tính độc bản và đề tài tranh Hàng Trống dễ phù hợp với trang trí nội thất đương đại. Nhiều người mua để sưu tập, vì càng để lâu, càng giá trị. Tranh Kim Hoàng cũng vốn là dòng tranh bình dân. Nhưng khi bắt tay vào khôi phục, nhóm Dự án khôi phục tranh Kim Hoàng, cùng với tìm lại nét truyền thống, đã tính đến làm những sản phẩm tranh Kim Hoàng cao cấp. Không ít sản phẩm cao cấp của tranh Kim Hoàng đã được thị trường chấp nhận.

 

Tất nhiên, chúng ta phải giáo dục, đào tạo những “khách hàng tiềm năng”, để họ nhận thức được giá trị di sản, rồi từ đó họ tiêu thụ. Nhưng giải pháp đó không phải là tất cả. Với tranh Đông Hồ, tôi biết một số nghệ nhân kiên quyết giữ gìn các làm tranh “nguyên bản” thời xa xưa và phê phán những người có ý định đổi mới. Điều đó rất đáng trân trọng. Nhưng để phù hợp với những bức tranh ấy, phải là những ngôi nhà kiểu cổ, hoặc nhà tranh, vách đất, như thời xa xưa; và thói quen dán tường một thời gian, rồi vứt bỏ.

 

Theo báo Nhân dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang